Từ Keystone XL đến Thỏa thuận Paris, Joe Biden báo hiệu sự chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch |
Tổng thống Joe Biden sẽ không lãng phí thời gian để hủy bỏ những nỗ lực của chính quyền Trump trong việc hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch và phủ nhận sự tồn tại của một cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Biden đã tiến hành một loạt hành động, khẳng định cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Biden ngay lập tức hướng đến tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thu hồi giấy phép cựu Tổng thống Donald Trump đã cấp cho đường ống gây tranh cãi Keystone XL và ra lệnh tạm hoãn cho thuê dầu khí ở Bắc Cực. Những bước đi này nhấn mạnh chính sách khí hậu của Mỹ đang thay đổi mạnh mẽ như thế nào, không chỉ từ thời ông Trump mà ngay cả từ cách tiếp cận của chính quyền Obama, trong đó ông Biden từng đóng vai trò quan trọng. “Thời đại ủng hộ nhiên liệu hóa thạch, dù chỉ là cầu nối tạm thời tới một tương lai sạch, đã kết thúc. Hoa Kỳ đã chuyển từ tất cả những gì nói trên sang tăng tốc loại bỏ carbon," theo Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group. Trái ngược, ông Trump từng là người ủng hộ quyết liệt đối với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Ông đã rút bỏ các quy định về môi trường, cố gắng cứu trợ các công ty khai thác than, đưa một cựu vận động hành lang ngành than làm lãnh đạo EPA và giúp môi giới một thỏa thuận với OPEC để giải cứu các nhà sản xuất dầu đá phiến. Ngay cả dưới thời Obama, Hoa Kỳ vẫn hỗ trợ khí đốt tự nhiên như một giải pháp thay thế sạch hơn than đá. Nhưng khí đốt hiện cũng không còn được ưa chuộng ở Washington. Các nhà hoạt động khí hậu đã chào đón các động thái này trong Ngày thứ nhất của ông Biden - và hứa sẽ thúc đẩy thêm nhiều điều nữa. "Đây là hành động nhanh chóng và dứt khoát, đưa Hoa Kỳ thêm một lần nữa trở thành một phần của giải pháp khí hậu toàn cầu – chứ không phải là vấn đề," Mitchell Bernard, chủ tịch Hội đồng Phòng thủ Tài nguyên Quốc gia, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư. Nhiều nhà khoa học lo ngại Hoa Kỳ và thế giới đã đánh mất thời gian quý giá dưới thời Tổng thống Trump trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trầm trọng. May Boeve, giám đốc điều hành của nhóm môi trường 350.org, tuyên bố sẽ "đảm bảo" ông Biden "dừng tất cả các cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch có hại", bao gồm cả đường ống Dakota Access Pipeline và các dự án khác. Tom Werner, CEO của công ty lưu trữ năng lượng và công nghệ năng lượng mặt trời SunPower, hoan nghênh các hành động của ông Biden và bày tỏ hy vọng về các bước bổ sung, bao gồm hỗ trợ cho các doanh nghiệp năng lượng sạch thuộc nhóm thiểu số sở hữu và tạo điều kiện cho việc cấp phép dự án. Theo ông Werner: “Thật hứng khởi khi có những lãnh đạo tại vị dứt khoát đưa năng lượng sạch và môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu và cấp bách nhất.” Ít nhất một CEO của Big Oil cũng đã vui mừng. "Tôi hoan nghênh quyết định của Tổng thống Biden về việc tái tham gia Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn khi Hoa Kỳ là một thành viên và chúng tôi mong muốn hợp tác với chính quyền để đạt được các mục tiêu đã đề ra," Gretchen Watkins, chủ tịch Shell Oil Company, cho biết trong một tuyên bố. Cuộc tranh luận về Keystone XL Tuy nhiên, một số đảng viên Cộng hòa và các giám đốc điều hành ngành dầu mỏ đã ngay lập tức phản đối các động thái của ông Biden. Theo Thượng nghị sĩ Mỹ Shelley Moore Capito, một đảng viên Đảng Cộng hòa từ Tây Virginia: “Giết chết đường ống Keystone XL và tái gia nhập Hiệp định Paris sẽ giết chết những công việc được trả lương cao. Điều bắt buộc là Quốc hội phải tích cực thực hiện giám sát và phản ứng trước những cơn bốc đồng tồi tệ nhất của các quan chức Washington." Mike Sommers, Giám đốc điều hành của Viện Dầu khí Hoa Kỳ, cho rằng việc vận động hành lang dầu khí hỗ trợ cho những "tham vọng" của Thỏa thuận Paris. Ông Sommers cũng nhấn mạnh thế giới cần khí tự nhiên, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), để chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn. Tuy nhiên, ông Sommers nhấn mạnh quyết định thu hồi giấy phép đường ống Keystone XL của Tổng thống Biden là một "động thái sai lầm" và là "cái tát vào mặt" các công nhân công đoàn ủng hộ dự án. Theo ông, đây là một "bước lùi đáng kể cho cả tiến bộ môi trường và phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ." Keystone XL là một cuộc chơi chính trị giữa các nhà hoạt động khí hậu và ngành công nghiệp dầu mỏ. Đường ống dự kiến sẽ chở dầu từ cát dầu của Canada sang Hoa Kỳ. 'Ngập trong dầu' TC Energy (TRP), công ty Canada đang xây dựng đường ống, gọi quyết định của ông Biden là "rất đáng thất vọng" và cho biết điều này sẽ khiến dự án bị đình chỉ. Andrew Grant, trưởng bộ phận nghiên cứu khí hậu, năng lượng và công nghiệp tại Carbon Tracker, cho biết quyết định dừng Keystone XL hoàn toàn hợp lý trên góc độ kinh tế. Grant nói: “Đây là loại dầu có chi phí cao và nhiều carbon. Nếu chúng ta nghiêm túc về việc đạt được các mục tiêu khí hậu của Hiệp ước Paris, đây chính xác là loại dự án dầu không nên tiến hành.” Các nhà phân tích năng lượng cho rằng hậu quả của quyết định Keystone XL đối với Canada sẽ lớn hơn nhiều so với người tiêu dùng Mỹ. “Hiện tại chúng ta đang ngập trong dầu. Chúng ta đang thừa dầu. Chúng ta không quá cần loại dầu đó," McNally, nhà tư vấn Rapidan Energy nói. Tuy nhiên, động thái này đánh dấu một sự hướng từ những nỗ lực của Trump thúc đẩy xây dựng các đường ống dẫn dầu và hỗ trợ ngành công nghiệp một cách rộng rãi. Mùa xuân năm ngoái, khi giá dầu lao dốc và ngành công nghiệp đá phiến đứng trên bờ vực, Trump đã gây sức ép buộc Nga và Saudi Arabia chấm dứt tranh chấp giá dầu. OPEC và các đồng minh cuối cùng đã đồng ý với những khoản cắt giảm sản lượng chưa từng có để ngăn chặn tổn thất. Theo ông McNally cho biết: “Donald Trump đã đến và giúp cứu lấy lợi ích cho ngành đá phiến.” Trump cũng biết ông không thể mất đi sự ủng hộ chính trị ở các bang sản xuất năng lượng lớn như Texas. Việc làm và khí hậu Tương tự, ông Biden sẽ phải đối mặt với thách thức đầy khó khăn trong việc cân bằng giữa nhu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà không làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng việc làm Hoa Kỳ đang đối mặt. "Liên minh Biden là một liên minh bền vững giữa các nhà bảo vệ môi trường tiến bộ và lao động có tổ chức," theo Josh Price, nhà phân tích cấp cao tại Height Capital Markets. Kế hoạch của ông Biden kêu gọi rót hàng nghìn tỷ dollar vào năng lượng sạch, tạo ra hàng triệu công việc đồng thời cắt giảm khí thải carbon. Tuy nhiên, bối cảnh pháp chế của ông Biden đang gặp nguy hiểm vì đảng Dân chủ chỉ chiếm được đa số mỏng manh trong cả hai viện của Quốc hội. Các đảng viên Đảng Dân chủ ôn hòa, bao gồm Thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin, khó có khả năng sẽ ủng hộ các hành động sâu rộng về khí hậu như Thỏa thuận Xanh Mới hoặc các bước để ngành dầu mỏ không được giảm thuế. Ông Price nói: “Nhóm Biden và những người ủng hộ môi trường trong Quốc hội sẽ cần phải xem lại những gì họ có và phát thảo một kế hoạch khả thi.” Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|