Thị trường Thứ hai, 18/01/2021, 14:21 GMT+7
Sự lạc quan đối với dầu mỏ có thể dừng lại vì những rủi ro do virus corona

Nhóm sản xuất dầu OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2021 do kỳ vọng kinh tế phục hồi. Nhưng điều đó có thể thay đổi, chuyên gia năng lượng Dan Yergin cảnh báo.

jn18 oilop

Yergin, phó chủ tịch của IHS Markit, cho rằng có rất nhiều điều phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của vaccine virus corona và liệu số ca nhiễm Covid-19 có tiếp tục tăng hay không.

Hy vọng nhu cầu dầu tăng cũng được nâng lên khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden đưa ra gói giải cứu Covid-19 trị giá 1.9 nghìn tỷ dollar được thiết kế để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Ngoài gói kích cầu này, hai yếu tố khác cũng thúc đẩy sự lạc quan, ông Yergin nói. “Có hai thứ khác đang diễn ra cùng lúc… một tất nhiên là tiêm chủng - theo nghĩa là cuối cùng cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc, và có thể vào mùa xuân, các phong tỏa sẽ không còn.”

“Điều khác là những gì Saudi Arabia đã làm. Đây là lần thứ ba Saudi Arabia thay đổi chính sách đột ngột trong chưa đầy một năm, và lần này là tuyên bố cắt giảm 1 triệu thùng/ngày - một phần vì họ lo ngại trước tác động của việc các ca nhiễm virus đang gia tăng,” ông nói.

Các thành viên OPEC và các đồng minh không thuộc OPEC, OPEC+, đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu với số lượng kỷ lục trong năm 2020. Họ làm như thế trong nỗ lực hỗ trợ giá, khi các hạn chế vì Covid-19 trên toàn thế giới và di chuyển bằng đường hàng không sụt giảm sau đó dẫn đến một cú shock về nhu cầu nhiên liệu.

Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho biết họ có kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng Hai và tháng Ba để ngăn lượng tồn kho tăng lên.

Theo ông Yergin, cả việc triển khai vaccine và cắt giảm nguồn cung đã kết hợp với nhau để “đẩy giá dầu vượt khỏi mức tôi gọi là ngỏ hẹp virus và hướng đến phục hồi trong năm 2021”.

 Rủi ro do virus corona 

Giá dầu hiện đang trên đà tăng trong tuần thứ ba liên tiếp. Dầu thô Mỹ ở mức $53.08 vào thứ Sáu theo giờ Châu Á, tăng từ mức trên $48/thùng vào cuối tháng 12, trong khi dầu Brent ở mức $55.69, so với mức trên $51 vào cuối tháng 12.

OPEC cho biết họ dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 5.9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái lên mức trung bình 95.9 triệu thùng/ngày. Dự báo này không thay đổi so với đánh giá của tháng trước.

Trong một báo cáo hôm thứ Năm, OPEC cho biết dự báo năm 2021 giả định "các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh, bao gồm sản xuất công nghiệp, thị trường lao động cải thiện và doanh số bán xe cao hơn năm 2020."

Tuy nhiên, ông Yergin cảnh báo nhu cầu dầu sẽ phụ thuộc vào tình hình virus diễn tiến như thế nào. Nếu các ca nhiễm virus corona tiếp tục tăng và “nếu vaccine không hiệu quả như ta nghĩ, nhu cầu sẽ yếu hơn và điều đó sẽ thể hiện qua giá”, ông nói. "Nhưng rõ ràng có sự lạc quan về giá dầu."

'Cuộc cách mạng thứ hai' cho đá phiến Mỹ

Theo ông Yergin đã đến lúc cho "cuộc cách mạng thứ hai" đối với các nhà sản xuất đá phiến của Hoa Kỳ. Ngành khoan dầu bùng nổ đã đưa Hoa Kỳ lên vị trí nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong năm 2018.

“Đây là cuộc cách mạng thứ hai đối với dầu đá phiến, sẽ mang lại tiền cho các nhà đầu tư. Họ đang ở trong tình trạng tốt hơn để làm điều đó. Hiện tại ta sẽ thấy sự hợp nhất, ta sẽ thấy những nỗ lực không ngừng để giảm chi phí,” ông nói.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy dầu đá phiến Mỹ bắt đầu tăng sản lượng trở lại vào nửa cuối năm nay,” ông nói, đồng thời cảnh báo thêm nếu không có kịch bản virus corona tiêu cực nào.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính sách năng lượng của Biden có thể có ý nghĩa gì đối với ngành công nghiệp đá phiến của Hoa Kỳ.

Trong tháng 12, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Dan Brouillette đã cảnh báo các nhà sản xuất đá phiến của Hoa Kỳ nên lo lắng về một chính sách khí hậu “rất quyết liệt” từ chính quyền sắp tới của ông Biden.

Theo nhiều nhà phân tích, ông Biden có thể không cấm công nghệ khai thác fracking, quy trình khai thác nhiên liệu hóa thạch từ đó sản xuất  khí đá phiến - nhưng ông sẽ cố gắng hạn chế đáng kể quy định này.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1