Thị trường Thứ hai, 04/01/2021, 13:11 GMT+7
OPEC+ 2021: Làm thế nào để tăng sản lượng dầu mà không làm mất đi những gì đã đạt được trong năm 2020

Khi một trong những năm hỗn loạn nhất trong lịch sử dầu mỏ kết thúc, OPEC+ hiện đang phải đối mặt với một nhiệm vụ tế nhị. Liên minh các nhà sản xuất do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu phải quyết định liệu họ có thể tiếp tục khôi phục nguồn cung dầu thô mà không ảnh hưởng đến mức phục hồi giá họ đã dành phần lớn năm 2020 để đạt được hay không.

jn4 opec

Moscow tin rằng nhóm này - đã cắt giảm sản lượng trong thời gian đại dịch - có thể đưa  thêm vào 500,000 thùng/ngày sản lượng trong tháng Hai, bên cạnh mức tăng dự kiến trong tháng này. Riyadh, vốn ủng hộ sự thận trọng hơn, vẫn chưa tiết lộ quan điểm của mình.

Theo Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS Group AG ở Zurich: “Có cảm giác như OPEC+ đang cố gắng lèo lái một con tàu chở dầu khổng lồ qua một eo biển hẹp.”

Dù quyết định cuối cùng của họ là gì, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác của Tổ chức này sẽ không chấp nhận may rủi.

Với cuộc họp vào ngày 4/1, liên minh sẽ chuyển sang họp hàng tháng - thay vì chỉ vài lần trong năm - để điều chỉnh mức sản xuất chính xác hơn.

Sau những bài học kinh hoàng trong 12 tháng qua, sự thôi thúc quản lý vi mô là điều dễ hiểu.

Giá dầu lao dốc

Những thách thức của năm ngoái đối với OPEC+ bắt đầu vào tháng Hai, khi nhu cầu dầu ở Trung Quốc giảm 20% do quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới phải phong tỏa để chiến đấu với virus corona.

Riyadh và Moscow sau đó xung đột về cách ứng phó với cú shock nhu cầu, một cuộc tranh chấp đã làm tan vỡ liên minh 23 quốc gia và dẫn đến một cuộc chiến tranh giá khốc liệt. Vào tháng Tư, thế giới tràn ngập dầu thô đến mức lần đầu tiên trong lịch sử, hợp đồng tương lai của Mỹ giao dịch dưới 0.

Mối quan hệ chỉ được hàn gắn sau sự can thiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù là người hòa giải bất đắc dĩ, đã chỉ trích tổ chức này trong nhiều năm, ông Trump vẫn làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình dẫn đến việc cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay của OPEC.

Việc dẹp bỏ những khó khăn đó hiện đang làm dấy lên những tranh cãi mới.

Tháng trước, các cuộc đàm phán của OPEC+ đã rơi vào bế tắc kéo dài năm ngày khi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - những đồng minh bền chặt trong nhiều năm trên cả lĩnh vực chính trị và năng lượng - bất đồng về tốc độ khôi phục lượng dầu dư thừa.

Đồng minh chia rẽ

Trong khi Saudi Arabia muốn hoãn tăng sản lượng trong ba tháng, nước láng giềng của họ - mong muốn kiếm tiền từ các khoản đầu tư vào công suất và xúc tiến một chuẩn giá dầu mới trong khu vực – hướng đến một thời gian biểu nhanh hơn.

Dù đã đạt được thỏa hiệp, sự rạn nứt ngắn ngủi trong quan hệ đối tác lâu dài - có thời điểm Abu Dhabi ám chỉ sẽ rời OPEC - đã để lại một cái bóng đáng ngại.

Tốc độ phục hồi sản lượng sẽ được các nhà sản xuất quan tâm vào thứ Hai. Trước đó vào Chủ nhật đã có cuộc họp của Ủy ban Kỹ thuật chung, một hội đồng gồm các chuyên gia kỹ thuật của OPEC+, thay mặt các bộ trưởng đánh giá việc thực hiện cắt giảm sản lượng. Dữ liệu sơ bộ cho thấy các thành viên đã thực hiện 101% các hạn chế đã hứa vào tháng 12.

Hiện tại giữ lại 7.2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 7% nguồn cung thế giới, các nhà sản xuất đã quyết định đưa thêm vào 1.5 triệu thùng/ngày theo từng đợt được cân chỉnh cẩn thận.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tỏ dấu hiệu sẳn sàng khi cho rằng giá đang ở trong phạm vi tối ưu từ $45 đến $55 một thùng vào tháng trước. Theo ông: Nếu OPEC+ hạn chế tăng cường xuất khẩu, các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ lấp đầy khoảng trống.

“Thị trường cần dầu. Quan điểm phổ biến trong OPEC+ dường như là phải giành thị phần, ta không thể trợ cấp khi đá phiến Hoa Kỳ trở lại," theo Jan Stuart, nhà kinh tế năng lượng toàn cầu tại Cornerstone Macro LLC.

Có một điểm chắc chắn để thông qua việc tăng sản lượng.

Giá dầu đã ổn định trên $50/thùng tại London bất chấp cam kết của OPEC về nguồn cung bổ sung, nhờ sự phát triển vaccine và sử dụng nhiên liệu mạnh mẽ ở châu Á. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, cung và cầu sẽ vẫn cân bằng trong nửa đầu năm nay.

Doug King, Giám đốc đầu tư của Merchant Commodity Fund, công ty quản lý 170 triệu USD, cho biết: “Thị trường có sự hỗ trợ cơ bản và như vậy OPEC+ sẽ tăng nguồn cung một ít”.

Đó là một sự lựa chọn cũng có thể hỗ trợ các thành viên OPEC+ như Iraq. Baghdad đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng hơn bởi giới hạn bán dầu và đang phải vật lộn để vượt qua tình trạng tồn đọng các cắt giảm sản lượng quá hạn từ năm 2020. Với việc bị hạn chế tiếp cận thị trường trái phiếu, Iraq đã đồng ý một thỏa thuận cung cấp dầu với một bên giao dịch Trung Quốc vào tháng trước theo đó quốc gia Arab này được trả trước 2 tỷ USD.

Nhu cầu không chắc chắn

Nhưng cũng có một cuộc tranh cãi về việc giữ lại các thùng dầu thừa.

Các nhà máy lọc dầu vẫn chưa có cơ hội hấp thụ hết khoản tăng nguồn cung trong tháng này và một chủng virus có khả năng lây nhiễm nhiều hơn đang che phủ triển vọng nhu cầu.

Dù IEA dự đoán không có thặng dư mới, họ cảnh báo lượng tồn kho hiện tại sẽ kéo dài đến cuối năm nếu OPEC+ mở khóa nguồn cung. Bất chấp thị trường phục hồi, giá dầu thô vẫn thấp hơn nhiều so với mức mà hầu hết các thành viên OPEC cần để trang trải chi tiêu chính phủ.

Cuối cùng, OPEC+ phải điều hướng tác động của Tổng thống sắp nhậm chức Mỹ Joe Biden, người đã phát tín hiệu sẵn sàng nối lại hiệp ước hạt nhân với Iran, có thể giải phóng hơn 1 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày hiện đang chịu sự trừng phạt của Mỹ.

Theo Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group và một cựu quan chức Nhà Trắng: “OPEC+ có thể có thể hoãn một đợt tăng sản lượng khác vào tháng Hai. Nhưng để giải quyết hết khoản dư thừa vì Covid năm ngoái, họ còn lâu mới xử lý xong.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo World Oil

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1