Từ Pakistan đến Peru, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt đang đẩy các quốc gia đến bờ vực |
Khi mọi người xuống đường ở Ai Cập năm 2011, những người biểu tình đã hô vang về tự do và công bằng xã hội - và có cả bánh mì. Giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng vọt do giá của những hàng hóa như lúa mì tăng cao, dẫn đến bất mãn đối với Tổng thống Hosni Mubarak. Giờ đây, hơn một thập kỷ sau Mùa xuân Arab, giá lương thực toàn cầu lại tăng vọt. Giá đã đạt các mức cao nhất từng được ghi nhận vào đầu năm nay khi đại dịch, thời tiết xấu và cuộc khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực cho hàng triệu người. Sau đó cuộc chiến của Nga ở Ukraine càng làm tình hình tồi tệ hơn nhiều - đồng thời khiến một chi phí thiết yếu hàng ngày khác tăng mạnh, nhiên liệu. Sự kết hợp này có thể tạo ra một làn sóng bất ổn chính trị, khi những người vốn đã thất vọng với các lãnh đạo chính phủ bị đẩy đến bờ vực bởi chi phí gia tăng. “Đó là điều cực kỳ đáng lo ngại,” theo Rabah Arezki, một nghiên cứu sinh cao cấp Kennedy School of Government của Harvard và là từng là trưởng kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Châu Phi. Bất ổn ở Sri Lanka, Pakistan và Peru trong tuần qua làm nổi bật những rủi ro này. Tại Sri Lanka, các cuộc biểu tình nổ ra vì tình trạng thiếu khí đốt và các hàng hóa cơ bản khác. Lạm phát hai con số ở Pakistan làm xói mòn sự ủng hộ đối với Thủ tướng Imran Khan, buộc ông này phải rời nhiệm sở. Ít nhất sáu người đã chết trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây ở Peru do giá nhiên liệu tăng. Nhưng xung đột chính trị sẽ không chỉ giới hạn ở những quốc gia này. “Tôi không nghĩ mọi người đã cảm nhận được hết tác động của việc giá cả leo thang,” theo Hamish Kinnear, nhà phân tích Trung Đông và Bắc Phi tại Verisk Maplecroft, một công ty tư vấn rủi ro toàn cầu. Bài học từ Mùa xuân Arab Trước các cuộc biểu tình chống chính phủ được gọi là Mùa xuân Arab - bắt đầu ở Tunisia vào cuối năm 2010 và lan qua Trung Đông và Bắc Phi năm 2011 - giá thực phẩm đã tăng mạnh. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đạt 106.7 năm 2010 và tăng lên 131.9 năm 2011, sau đó là một kỷ lục. "Ông Mohamed Bouazizi không thúc đẩy cuộc cách mạng vì không thể viết blog hoặc bỏ phiếu," một nhà bình luận người Emirati viết vào tháng 1/011, đề cập đến người bán hàng rong có hành động phản đối đã giúp khởi động cuộc cách mạng ở Tunisia và cuối cùng là cả thế giới Arab. "Mọi người tự hành động vì họ không thể chịu đựng được cảnh gia đình mình héo mòn dần, không phải vì đau buồn, mà vì đói lạnh." Hoàn cảnh ở các quốc gia khác nhau, nhưng bức tranh lớn hơn đã rõ ràng. Giá lúa mì tăng cao là phần chính của vấn đề. Tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn lúc đó. Giá lương thực toàn cầu vừa đạt kỷ lục mới. Chỉ số giá lương thực FAO công bố hôm thứ Sáu đạt mức 159.3 trong tháng Ba, tăng gần 13% so với tháng Hai. Cuộc chiến ở Ukraine, quốc gia xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu thực vật lớn, cũng như các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga - nhà sản xuất lúa mì và phân bón chủ chốt - dự kiến sẽ đẩy giá tăng thêm trong những tháng tới. “40% lúa mì và ngô xuất khẩu từ Ukraine đi đến Trung Đông và châu Phi, những nơi đang phải vật lộn với vấn đề đói kém, những nơi tình trạng thiếu lương thực hoặc giá tăng thêm nữa có thể gây bất ổn xã hội,” theo Gilbert Houngbo, người đứng đầu Quỹ Nông nghiệp Quốc tế. Thêm nữa, giá năng lượng đang tăng vọt. Giá dầu toàn cầu gần như cao hơn 60% so với một năm trước. Giá than và khí đốt tự nhiên cũng tăng mạnh. Nhiều chính phủ đang đấu tranh để bảo vệ người dân của mình, nhưng các nền kinh tế mỏng manh đã vay mượn rất nhiều để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất. Khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến đồng tiền và khiến các chính phủ khó có khả năng thanh toán nợ, duy trì trợ cấp lương thực và nhiên liệu sẽ rất khó khăn, đặc biệt nếu giá tiếp tục tăng. “Hiện chúng ta đang trong tình cảnh các quốc gia mắc nợ. Hậu quả là họ không có bộ đệm để cố gắng kiềm chế những căng thẳng sẽ xuất hiện do giá cao đến như vậy," ông Arezki nói. Theo Ngân hàng Thế giới, gần 60% các quốc gia nghèo nhất đã "lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ cao" ngay trước cuộc xâm lược Ukraine. Nơi căng thẳng đang sôi sục Châu Á: Tại Sri Lanka, quốc đảo 22 triệu dân, một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang sôi sục, với những người biểu tình xuống đường bất chấp lệnh giới nghiêm và các bộ trưởng chính phủ từ chức hàng loạt. Vật lộn với mức nợ cao và nền kinh tế yếu kém phụ thuộc vào du lịch, Sri Lanka buộc phải giảm dự trữ ngoại tệ. Điều đó đã ngăn chính phủ thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như năng lượng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và buộc mọi người phải mất hàng giờ xếp hàng mua nhiên liệu. Các nhà lãnh đạo cũng đã phá giá đồng rupee Sri Lanka, khi họ cố gắng lấy được một khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng điều đó chỉ khiến lạm phát tồi tệ hơn. Trong tháng Giêng, lạm phát đạt 14%, gần gấp đôi tốc độ tăng giá ở Hoa Kỳ. Quốc hội Pakistan đã có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Khan vào Chủ nhật, phế truất ông và lật đổ chính phủ của ông. dù các vấn đề chính trị của ông này đã có từ nhiều năm trước, những tuyên bố quản lý kinh tế sai lầm khi chi phí lương thực và nhiên liệu tăng vọt, cũng như dự trữ ngoại hối cạn kiệt, đã khiến vấn đề tồi tệ hơn. “Mức độ hỗn loạn kinh tế đã thống nhất sự phản đối đối với Imran Khan,” theo Kinnear của Verisk Maplecroft. Trung Đông và châu Phi: Các chuyên gia cũng đang theo dõi các dấu hiệu căng thẳng chính trị ở những quốc gia khác ở Trung Đông, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực từ khu vực Biển Đen và thường có các khoản trợ cấp hào phóng cho công chúng. Tại Lebanon, nơi năm ngoái gần 3/4 dân số sống trong cảnh nghèo đói do suy thoái kinh tế và chính trị, 70% đến 80% lượng lúa mì nhập khẩu đến từ Nga và Ukraine. Các hầm chứa ngũ cốc chủ chốt của nước này cũng bị phá hủy trong vụ nổ năm 2020 tại cảng Beirut. Và Ai Cập, quốc gia mua lúa mì lớn nhất thế giới, đang chịu áp lực rất lớn đối với chương trình trợ cấp bánh mì khổng lồ. Nước này gần đây đã thiết lập một mức giá cố định cho bánh mì không được trợ giá sau khi giá tăng vọt và đang cố gắng nhập khẩu lúa mì từ các nước như Ấn Độ và Argentina để thay thế. Ông Arezki cho biết, với khoảng 70% người nghèo trên thế giới sống ở châu Phi, châu lục này cũng sẽ "rất dễ bị ảnh hưởng" bởi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Hạn hán và xung đột ở các nước như Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Burkina Faso đã gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực cho hơn 1/4 dân số châu lục, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết trong tuần này. Tình hình có nguy cơ xấu đi trong những tháng tới. Bất ổn chính trị đã và đang hình thành ở nhiều nơi ở châu Phi. Một loạt các cuộc đảo chính đã diễn ra ở Tây và Trung Phi từ đầu năm 2021. Châu Âu: Ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn, có những vùng đệm lớn hơn để bảo vệ người dân khỏi những đợt tăng giá đau đớn, cũng sẽ không có công cụ để chống đỡ hoàn toàn cú đánh này. Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại các thành phố trên khắp Hy Lạp yêu cầu mức lương cao hơn khi đối mặt với lạm phát, trong khi cuộc bầu cử tổng thống của Pháp đang thu hẹp dần số ứng viên do ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen lên kế hoạch giảm chi phí sinh hoạt. Tháng trước, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cho biết họ đang xem xét cấp phiếu thực phẩm để các gia đình có thu nhập trung bình và thấp có thể đủ tiền ăn. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|