OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do chiến tranh Ukraine và chính sách zero Covid của Trung Quốc |
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã trở thành tổ chức quốc tế mới nhất hạ các dự đoán tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, nhưng không nhấn mạnh đến khả năng xảy ra thời kỳ đình phát kéo dài. OECD ước tính GDP toàn cầu sẽ đạt 3% trong năm 2022 - giảm 1.5 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 12. Trong triển vọng kinh tế mới nhất phát hành hôm thứ Tư, tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết: “Cuộc xâm lược Ukraine, cùng với việc các thành phố và cảng lớn ở Trung Quốc đóng cửa do chính sách zero COVID, đã tạo ra một loạt những cú shock bất lợi mới.” Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang gây ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng chính sách zero-Covid của Trung Quốc - một chiến lược Bắc Kinh sử dụng để kiểm soát virus bằng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ - cũng là lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu do tầm quan trọng của quốc gia này trong chuỗi cung ứng quốc tế và tiêu dùng tổng thể. Ngân hàng Thế giới hôm thứ Ba cho biết họ cũng đã trở nên tiêu cực hơn đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Tổ chức này cho biết GDP toàn cầu sẽ đạt 2.9% trong năm nay - ước tính thấp hơn so với dự báo 4.1% trong tháng Giêng. OECD cho biết việc hạ dự báo, một phần, "phản ánh sự suy thoái sâu sắc ở Nga và Ukraine." “Tuy nhiên, tăng trưởng được cho là yếu hơn đáng kể so với dự kiến ở hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt ở châu Âu, nơi lệnh cấm vận nhập khẩu dầu và than từ Nga được tính vào các dự báo cho năm 2023,” theo OECD. Vào cuối tháng Năm, Liên minh châu Âu đã tiến tới áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, sau khi thống nhất cũng sẽ ngừng mua than từ nước này tháng trước đó. EU phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và việc cắt giảm một số nguồn cung này trong một sớm một chiều sẽ có tác động kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, khu vực đồng euro, khu vực 19 quốc gia cùng chia sẻ đồng euro, và Hoa Kỳ không khác nhau nhiều về triển vọng kinh tế. OECD cho biết EU sẽ tăng trưởng 2.6% trong năm nay và Mỹ sẽ tăng trưởng 2.5%. Đối với Vương quốc Anh, nơi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng là một vấn đề kinh tế, GDP được dự báo tăng 3.6% trong năm nay trước khi giảm xuống zero trong năm sau. “Lạm phát ở Anh sẽ vẫn tăng và đạt đỉnh hơn 10% vào cuối năm 2022 do tiếp tục thiếu hụt nguồn cung và lao động cũng như giá năng lượng cao, trước khi giảm dần xuống 4.7% đến cuối năm 2023,” OECD cho biết. Bức tranh vĩ mô toàn cầu đã trở nên u ám đối với các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt do những nền kinh tế này được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực. “Ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi, nguy cơ thiếu lương thực rất cao do phụ thuộc vào nông sản xuất khẩu từ Nga và Ukraine,” OECD cho biết. Trung Quốc tăng trưởng 4.4% trong năm nay, Ấn Độ tăng 6.9% và Brazil tăng nhẹ 0.6%. Không có đình phát? Theo Mathias Cormann, Tổng thư ký của OECD, bất chấp môi trường kinh tế khó khăn, khó có khả năng nền kinh tế toàn cầu đang tiến vào thời kỳ đình phát - khi một nền kinh tế chứng kiến lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với nhu cầu trì trệ như đã từng trải qua trong những năm 1970. “Chúng tôi thấy một số điểm tương đồng với những năm 1970 nhưng không sử dụng thuật ngữ đình phát, chúng tôi không tin đây là thuật ngữ phù hợp để mô tả những gì chúng tôi quan sát được trong nền kinh tế toàn cầu vào lúc này. “Về cơ bản, hầu hết các quốc gia đã trải qua bốn quý tăng trưởng rất mạnh và đúng là chúng ta có lạm phát, chúng tôi dự kiến lạm phát tăng cao sẽ kéo dài hơn nữa, nhưng hy vọng nó sẽ giảm xuống trong suốt nửa cuối năm 2022 đến cuối năm 2023,” ông Cormann nói thêm. Ngân hàng Thế giới hôm thứ Ba cho rằng rủi ro đình phát tiềm ẩn đang gia tăng và cảnh báo điều này sẽ khiến cuộc sống của người dân ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình và thấp thậm chí còn khó khăn hơn. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|