Sự kiện Thứ ba, 28/06/2022, 13:16 GMT+7
Các lệnh cấm xuất khẩu lương thực, từ Ấn Độ đến Argentina, có nguy cơ thúc đẩy lạm phát

Tháng trước, chỉ mất 24 giờ, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ở Ấn Độ - quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới - phải gác lại kế hoạch "cung cấp thực phẩm cho thế giới."

jn28 food

Trong tháng Tư, ông Modi từng tuyên bố công khai nền dân chủ đông dân nhất thế giới đã sẵn sàng lấp đầy khoảng trống Ukraine để lại trên thị trường ngũ cốc toàn cầu bằng cách tăng xuất khẩu lúa mì, sau năm vụ thu hoạch kỷ lục liên tiếp. Thông thường, Ấn Độ chỉ xuất khẩu một lượng lúa mì khiêm tốn, giữ lại phần lớn sản lượng để tiêu thụ trong nước.

Ngày 12/5, Bộ Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ cho biết họ đang chuẩn bị cử các phái đoàn tới chín quốc gia để xuất khẩu một lượng kỷ lục 10 triệu tấn lúa mì trong năm tài chính này - tăng mạnh so với mùa trước.

Nhưng một loạt dữ liệu đáng báo động đã thay đổi tất cả.

Đầu tiên là việc điều chỉnh giảm sản lượng vụ lúa mì của Ấn Độ vào đầu tháng Năm do một đợt nắng nóng đột ngột tác động đến năng suất. Sau đó, dữ liệu ngày 12/5 cho thấy lạm phát ở quốc gia 1.4 tỷ dân đã tăng lên mức cao nhất gần 8 năm do giá thực phẩm và nhiên liệu cao hơn, do cuộc chiến Ukraine.

Cảnh giác trước lạm phát gia tăng, vốn đã góp phần lật đổ chính phủ của đảng Quốc hội trước đó năm 2014, văn phòng của ông Modi ngày 13/5 yêu cầu Bộ Thương mại "hãm" xuất khẩu lúa mì ngay lập tức, theo một quan chức chính phủ.

Một nguồn tin thứ hai cho biết: “Dữ liệu lạm phát này đã khiến chính phủ ngay giữa đêm ban hành lệnh” cấm xuất khẩu lúa mì.

Tin tức về lệnh cấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu lúa mì lớn duy nhất tại thời điểm đó trong năm, đã khiến giá lúa mì Chicago giao sau tăng 6% sau khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ Hai.

Cả văn phòng của Modi và Bộ Thương mại đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Ấn Độ là một trong số ít nhất 19 quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ cuộc chiến ở Ukraine khiến giá cả tăng vọt, cản trở dòng chảy thương mại quốc tế đối với một số sản phẩm nông nghiệp và làm bùng lên các cuộc biểu tình bạo lực ở một số quốc gia đang phát triển.

Từ Delhi đến Kuala Lumpur, Buenos Aires đến Belgrade, các chính phủ đã áp đặt các hạn chế, vào thời điểm thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19, kết hợp với các yếu tố như thời tiết khắc nghiệt và tắc nghẽn chuỗi cung ứng, khiến nạn đói trên toàn cầu tăng lên mức chưa từng có.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) trong tháng Tư cho biết, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng - khi không có khả năng tiêu thụ thực phẩm đầy đủ khiến cuộc sống hoặc sinh kế của họ gặp nguy hiểm – vốn đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2019 lên 276 triệu người ở 81 quốc gia nơi tổ chức này hoạt động, trước khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu.

Cuộc chiến - làm gián đoạn xuất khẩu từ Nga và Ukraine, hai cường quốc nông nghiệp - được dự báo sẽ khiến con số này tăng thêm ít nhất 33 triệu người, chủ yếu ở khu vực cận Sahara, châu Phi.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các thành viên có thể áp đặt các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu thực phẩm hoặc các sản phẩm khác nếu chúng là tạm thời và cần thiết để giảm "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng."

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết ông đã liên hệ với WTO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giải thích Ấn Độ cần ưu tiên an ninh lương thực của mình, ổn định giá cả trong nước và bảo vệ chống tích trữ.

Nhưng hạn chế xuất khẩu có nguy cơ làm tình trạng tăng giá lương thực toàn cầu tồi tệ hơn: gây ra hiệu ứng domino khi khủng hoảng ngày càng sâu sắc khiến các nước khác phải thực hiện các bước tương tự, theo Michele Ruta, nhà kinh tế hàng đầu trong Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại & Đầu tư Toàn cầu của Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm năm 2008, được thúc đẩy bởi hạn hán, gia tăng dân số toàn cầu, tiêu thụ nhiều thịt hơn ở các nền kinh tế đang phát triển lớn và tăng cường sử dụng cây trồng để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Tình trạng thiếu hụt vào thời điểm đó đã kích hoạt các cuộc biểu tình phản đối trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Phi, nơi thực phẩm chiếm tỷ lệ tương đối cao trong ngân sách hộ gia đình.

Simon Evenett, giáo sư phát triển kinh tế và thương mại quốc tế tại Đại học St. Gallen, cho biết năm 2008 những đảm bảo từ các tổ chức quốc tế đến chính phủ các quốc gia rằng có đủ lương thực vận chuyển khắp thế giới đã làm chùn bước những ai muốn áp đặt hạn chế xuất khẩu.

“Lần này, điều đó khó thực hiện hơn vì nguồn cung bị ảnh hưởng ở cả Ukraine và Nga,” ông Evenett nói, đồng thời cho rằng quy mô các vụ thu hoạch hè ở những nước sản xuất thực phẩm lớn sẽ giúp quyết định mọi thứ tiến triển như thế nào trong nửa cuối năm 2022.

Ukraine và Nga chiếm tổng cộng 28% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 15% ngô và 75% dầu hướng dương trong niên vụ 2020/21, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Giá lương thực thế giới đã luôn ở các mức cao trong hai tháng qua khi mùa thu hoạch đến gần. Tuy nhiên, đã có một số dấu hiệu đáng lo ngại khi hạn hán ở Hoa Kỳ làm giảm quy mô vụ lúa mì mùa đông trong khi ở Pháp, lúa mì bị vùi dập bởi mưa đá, gió mạnh và mưa xối xả trong tháng này.

Thời tiết khô hạn ở Argentina - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ sáu trên thế giới - khiến việc trồng trọt bị đình trệ và làm giảm dự báo sản lượng cho vụ 2022/23.

Hơn nữa, tâm lý tại các diễn đàn quốc tế như G20 hiện ít hợp tác hơn sau nhiều năm chìm trong chủ nghĩa dân túy và căng thẳng gia tăng giữa các đối thủ địa chính trị lớn, ông Evenett nói.

“Theo nhiều cách tình hình hiện tại đáng lo ngại hơn nhiều so với năm 2008 và hãy xem những rủi ro nào đã phát sinh đối với ổn định chính trị kể từ đó. Chúng ta sẽ có sáu đến chín tháng rất căng thẳng trước mắt."

Những quân domino gục ngã

Năm ngoái một số quốc gia đã thông báo hạn chế xuất khẩu, do nguồn cung lương thực toàn cầu thắt chặt. Nhưng các quân domino thực sự bắt đầu ngã xuống sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine ngày 24/2, với giá toàn cầu của cả ngũ cốc và dầu thực vật đều tăng mạnh.

Trong tháng Ba, Argentina đã tăng thuế đối với xuất khẩu dầu đậu nành và bột đậu của nước này, đồng thời áp đặt mức trần thấp hơn so với năm ngoái đối với xuất khẩu lúa mì mới.

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ được đưa ra sau khi Indonesia, quốc gia  sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, hạn chế xuất khẩu dầu cọ - một nguyên liệu thiết yếu trong nấu ăn và làm bánh - từ ngày 28/4 với lý do cần đảm bảo nước này có “nguồn cung dồi dào và giá cả phải chăng.”

Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và Indonesia là một trong những nhà cung ứng quan trọng nhất của họ. Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm ngày 20/5.

Ngày 23/5, Malaysia đã cấm xuất khẩu gà từ đầu tháng này sau khi tình trạng thiếu thức ăn toàn cầu trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine làm gián đoạn sản xuất gia cầm và khiến giá một trong những nguồn protein rẻ nhất của nước này tăng mạnh.

Làn sóng hạn chế xuất khẩu đã ảnh hưởng đến gần 1/5 lượng calories được giao dịch trên toàn cầu - gần gấp đôi tác động của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), một tổ chức nghiên cứu nhằm giảm nghèo ở các nước đang phát triển có trụ sở tại Washington.

“Những kiểu biện pháp này có xu hướng kích động một số hành vi hoảng loạn hoặc tích trữ từ phía người mua... làm tăng tốc độ tăng giá đột biến,” theo nhà nghiên cứu David Laborde Debucquet của IFPRI.

Liên minh châu Âu – với nhiều quốc gia nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới tính theo giá trị - đang kêu gọi các đối tác thương mại của mình không ban hành các chính sách bảo hộ.

Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết trong một bài phát biểu trong tháng này: “Liên minh châu Âu vẫn giữ hoạt động xuất khẩu lương thực của mình tiếp diễn, và những nước khác cũng nên làm vậy.”

Đảm bảo nguồn cung trong nước

Ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine, chính phủ Argentina, đang chống chọi với lạm phát trong nước hiện trên 60%, cuối năm ngoái đã thực hiện các bước để ngăn đà tăng giá thực phẩm địa phương. Họ đặt giới hạn đối với xuất khẩu ngô và lúa mì, ngoài lệnh cấm các lô hàng thịt bò trước đó.

Sau cuộc xâm lược của Nga, Argentina đã thực hiện các bước bổ sung, tăng thuế đối với các lô hàng dầu đậu nành và bột đã qua chế biến.

Argentina là nhà xuất khẩu bột và dầu đậu nành lớn nhất thế giới, nhà cung cấp ngô và xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai trên toàn cầu.

Một nguồn tin trong Bộ Nông nghiệp Argentina cho biết ưu tiên của chính phủ là đảm bảo thực phẩm cần thiết cho tiêu dùng trong nước.

Nguồn tin cho biết, các giới hạn xuất khẩu được thiết lập vào cuối năm 2021 đã giúp bảo vệ các nhà máy xay xát trong nước và người tiêu dùng trước việc giá quốc tế tăng đột biến theo sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhưng Gustavo Idigoras, người đứng đầu phòng chế biến và xuất khẩu ngũ cốc CIARA-CEC của Argentina, cho rằng bất chấp giới hạn xuất khẩu và các loại thuế bổ sung, chính phủ đã phải vật lộn để ngăn chặn lạm phát giá lương thực kéo dài ở Argentina, vốn đã cao trước cuộc xung đột Ukraine.

Tại khu vực đô thị Buenos Aires, giá bánh mì đã tăng 69% trong một năm, thịt 64% và rau 66%, buộc mọi người phải thay đổi chế độ ăn và tìm kiếm những khoản mua bán rẻ hơn.

Edith Elizabeth Plou, 39 tuổi, một chủ cửa hàng ở Buenos Aires, đã đi hàng dặm từ nhà để đến Chợ Trung tâm của thủ đô Argentina để mua được hàng tạp hóa với giá rẻ hơn, vốn đã tăng mạnh trong năm ngoái.

“Tôi làm việc 8 tiếng và sự thật là tôi thường nghĩ đến việc tìm một công việc thứ hai để trang trải chi phí,” bà Plou nói.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1