Thị trường Thứ năm, 21/03/2024, 12:58 GMT+7
Vị trí số 1 thế giới về xuất nhập khẩu điều của Việt Nam lung lay

Hiện nay, nhiều quốc gia ở châu Phi và Campuchia đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất điều thô và cải thiện chế biến sâu điều nhân. Cho nên dù Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất nhập khẩu điều nhưng vị thế này chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài.

m21 cashnut

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt trong ngành điều đang gặp khó, tự đối đầu nhau để sinh tồn dẫn đến làm suy yếu vị thế ngành điều Việt Nam ngay từ nội bộ.

Châu Phi - thị trường mới nổi

Trước đây, thị trường điều nhân thế giới chủ yếu được cung cấp bởi Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Việt Nam chiếm hơn 80%. Nhưng gần đây đã nổi lên các nguồn cung khác, nhất là từ một số nước châu Phi, khiến thị phần điều nhân của Việt Nam trên thị trường giảm đi.

Tại Hội nghị điều quốc tế do Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức mới đây, một số quốc gia khẳng định sẽ nỗ lực vươn lên tốp đầu về xuất nhập khẩu điều toàn cầu.

Ông N'Guettia Assouman, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu hạt điều Bờ Biển Ngà (AEC-CI) cho biết, với 25% sản lượng điều thô thế giới, Bờ Biển Ngà giữ vị trí số 2 về xuất nhập khẩu điều toàn cầu, chỉ đứng sau Việt Nam. Hiện Việt Nam đang tiêu thụ 65% đến 85% sản lượng điều thô của Bờ Biển Ngà và ngành điều của nước này đang từng bước hiện đại hóa sản xuất, chế biến để hướng xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, EU… song song với việc duy trì bán thô cho những bạn hàng truyền thống.

Theo ông N'Guettia Assouman: "Chúng tôi có rất nhiều điều kiện để quý vị có thể đầu tư đến Bờ Biển Ngà. Chúng tôi sẵn sàng ưu đãi thuế, giá mua nguyên liệu cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến tại chỗ. AEC-CI mong muốn cùng các doanh nghiệp hợp tác, xây dựng lòng tin, kênh thông tin tin cậy, chứng thư điện tử đảm bảo, hạn chế tối đa các rủi ro, gian lận không mong muốn, hướng tới hợp tác lâu dài. Tôi nghĩ cũng có nhà đầu tư sẽ quan tâm lưu ý và đây cũng là thế mạnh để đầu tư tại Bờ Biển Ngà".

Theo ông Mohamed Diaoune’ - Chủ tịch Liên hiệp hội ngành điều Guinea (IFA), Cộng Hòa Guinea có vùng nguyên liệu ổn định đang cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vùng nguyên liệu này cùng nằm ngay sát Bờ Biển Ngà, Senegal, Burkina Faso và Nigeria… những quốc gia có thế mạnh về sản xuất điều. Đến thời điểm này Việt Nam là một trong những bạn hàng lớn về điều thô.

Ông Mohamed Diaoune’ đề nghị: "Nhiều ý kiến đang muốn định hình lại thị trường toàn cầu, tạo chuỗi giá trị bền vững… Trong khi đó điều thô mang lại khoảng 1 USD/Kg cho nông dân ở Việt Nam, Campuchia. Nhưng ở nước chúng tôi người nông dân chỉ kiếm được 0,5 USD/Kg. Điều này không phải lỗi ở Việt Nam hay Ấn Độ mà nguyên nhân do khâu logictics, vận tải, thuế… Chúng ta vẫn nói cần phối hợp làm sao để đôi bên có được giá tốt, cùng có lợi nhưng người tiêu dùng đầu cuối đang trả giá cao, trong khi nông dân của chúng tôi bán không được giá như vậy".

Vị trí số 1 bị lung lay

Hiện châu Phi chiếm 57% sản lượng điều thô toàn cầu. Sự tăng trưởng “nóng” của ngành sản xuất, chế biến điều Việt Nam cũng như một số nước châu Phi đang dẫn đến sự cạnh tranh thị trường, trở thành mối nguy cơ gây sụp đổ toàn hệ thống xuất nhập khẩu ngành điều. Bởi thực tế dù chiếm gần 80% lượng nhân điều xuất khẩu và tiêu thụ gần 65% lượng điều thô thế giới, nhưng ngành điều Việt Nam không thể “làm chủ cuộc chơi”.

Đó là chưa nói đến chuyện có thể điều phối, định hình lại thị trường điều toàn cầu. Ngay các doanh nghiệp trong nước dù được khuyến cáo thận trọng mua vào – cân nhắc bán ra mỗi khi mùa vụ bắt đầu, vẫn không tránh khỏi tự làm khó nhau. Doanh nghiệp điều trong tình trạng mạnh ai nấy làm, tự làm giá nguyên liệu và bán sản phẩm chế biến theo ý của mình.

Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), dù là trung tâm chế biến điều nhân nhưng Việt Nam lại không có vùng nguyên liệu, diện tích vùng trồng trong nước và sản lượng ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, các nước châu Phi đang có chính sách hạn chế bán điều thô để phát triển ngành chế biến điều trong nước. Vấn đề này càng tạo áp lực lên giá điều nguyên liệu. Một số nước đã đầu tư máy móc thiết bị chế biến điều, hướng đến thị trường Mỹ, EU… Dù chưa nhiều nhưng sản xuất ngay tại vùng nguyên liệu sẽ giảm được nhiều chi phí, giá thành tốt hơn. Đây chính là mấu chốt khiến các nhà máy Việt Nam phải cạnh tranh mua điều thô từ châu Phi, giá bán ra chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Ông Công cho rằng, khi không cân đối được giữa giá điều nhân và điều thô sẽ dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa hàng loạt. Thực tế năm 2023, khoảng 100 nhà máy ở Bình Phước phải đóng cửa. Dự kiến 5 năm tới, cả nước sẽ mất đi hàng ngàn nhà máy.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác là doanh nghiệp nhập điều thô về chế biến thành điều nhân nhưng lại bán không được, không có tiền trả nợ, bị ngân hàng xiết nợ. Để thu hồi vốn, các doanh nghiệp điều thường tranh nhau bán với giá rất thấp. Từ đó, đẩy giá nhân điều đã giảm càng giảm sâu thêm

"Các nước nhập khẩu nhân luôn biết áp lực của doanh nghiệp Việt Nam là tài chính cho nên thông qua môi giới gây sức ép "không bán giá này sẽ gặp khó khăn thế kia", và cuối cùng doanh nghiệp Việt phải bán vì áp lực ngân hàng. Nếu để thế này sẽ dân đến hậu quả nguy hiểm hơn. Cụ thể hàng trăm doanh nghiệp ở Bình Phước đã phải đóng cửa rồi. Cho nên vấn đề này cần được nói thẳng nói thật để tìm hướng giải quyết" - ông Công nhấn mạnh.

Trước vấn đề này, quan trọng nhất hiện nay là nhà sản xuất và doanh nghiệp chế biến cần phải có tiếng nói chung, điều chỉnh lại sự vận hành của chuỗi cung ứng điều, sao cho lợi ích được phân phối hợp lý cho các bên tham gia, đưa ngành điều phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo CafeF


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1