Sự kiện Thứ năm, 30/06/2022, 09:00 GMT+7
Các nước EU đạt được thỏa thuận khủng hoảng khí hậu sau các cuộc đàm phán đêm khuya

Các bộ trưởng Môi trường ủng hộ việc loại dần ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đến năm 2035 và một khoản quỹ 59 tỷ euro giúp giảm gánh nặng chi phí của các chính sách mới đối với người có thu nhập thấp

jn30 eu 

Các nước EU đã đạt được những thỏa thuận về các luật được đề xuất nhằm chống khủng hoảng khí hậu trong những giờ đầu ngày thứ Tư, 29/6, ủng hộ loại dần việc bán xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới vào năm 2035 và một quỹ trị giá hàng tỷ euro để bảo vệ những công dân nghèo hơn trước các tổn thất vì khí thải carbon dioxide.

Sau hơn 16 giờ đàm phán, các bộ trưởng môi trường của 27 quốc gia thành viên đã nhất trí lập trường chung về 5 điều luật, một phần của gói các biện pháp rộng hơn nhằm giảm lượng khí thải đang làm nóng hành tinh trong thập kỷ này.

“Cuôc khủng hoảng khí hậu và hậu quả của nó là rõ ràng, vì vậy chính sách là không thể tránh khỏi,” theo  Frans Timmermans, Giám đốc chính sách khí hậu của EU. Ông nói thêm việc Nga, quốc gia cung cấp khí đốt lớn, xâm lược Ukraine đã thúc đẩy các nước từ bỏ nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn.

Các bộ trưởng đã ủng hộ các phần cơ bản trong gói giải pháp Ủy ban châu Âu đề xuất lần đầu tiên vào năm ngoái, trong đó có luật yêu cầu ô tô mới bán tại EU không thải khí CO2từ năm 2035. Điều đó sẽ khiến ô tô động cơ đốt trong không thể bán được.

Thỏa thuận này khiến đề xuất có khả năng trở thành luật của EU. Những thỏa thuận của các bộ trưởng sẽ hình thành lập trường của họ trong các cuộc đàm phán sắp tới với quốc hội EU về các luật cuối cùng. Quốc hội vốn đã ủng hộ mục tiêu về xe ô tô năm 2035.

Italy, Slovakia và các quốc gia khác đã muốn việc loại bỏ dần này được hoãn đến năm 2040. Các quốc gia này cuối cùng ủng hộ một thỏa hiệp do Đức, thị trường xe ô tô lớn nhất EU, đề xuất, giữ mục tiêu năm 2035 và yêu cầu Brussels đánh giá vào năm 2026 xem liệu xe hybrid hay nhiên liệu không phát thải khí CO2 có thể phù hợp với mục tiêu không.

Ông Timmermans cho biết ủy ban sẽ giữ một "tư tưởng cởi mở" nhưng hiện tại, xe hybrid không cắt giảm đáng kể lượng khí thải và các nhiên liệu thay thế rất đắt.

Các đề xuất về khí hậu nhằm đảm bảo EU - nơi phát thải khí nhà kính lớn thứ ba trên thế giới - đạt được mục tiêu năm 2030 giảm 55% lượng khí thải ròng so với mức năm 1990. Để làm được như vậy các chính phủ và các ngành sẽ cần đầu tư mạnh vào sản xuất sạch hơn, năng lượng tái tạo và xe điện.

Các bộ trưởng ủng hộ một thị trường carbon mới của EU để áp phí CO2 đối với nhiên liệu gây ô nhiễm được sử dụng trong giao thông và các tòa nhà, dù họ cho biết thị trường sẽ ra mắt năm 2027, trễ hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, các bộ trưởng đã đồng ý thành lập quỹ EU trị giá 59 tỷ euro nhằm bảo vệ các công dân có thu nhập thấp trước các tổn thất do chính sách này từ năm 2027 đến năm 2032.

Lithuania là quốc gia duy nhất phản đối các thỏa thuận cuối cùng, đã không thành công trong việc hướng đến một quỹ lớn hơn cùng với Ba Lan, Latvia và những nước khác lo ngại thị trường CO2 mới có thể làm tăng hóa đơn năng lượng.

Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan - những quốc gia giàu có hơn sẽ chi nhiều hơn số tiền họ sẽ nhận lại - đã muốn quỹ EU nhỏ hơn.

Các bộ trưởng cũng ủng hộ các cải cách đối với thị trường carbon hiện tại của EU, vốn buộc các ngành công nghiệp và nhà máy điện phải trả tiền khi họ gây ô nhiễm.

Các quốc gia đã chấp nhận những yếu tố cơ bản trong đề xuất của ủy ban để củng cố thị trường nhằm cắt giảm lượng khí thải 61% đến năm 2030 và mở rộng đề xuất sang mảng vận chuyển. Họ cũng nhất trí về các quy tắc nhằm giúp EU dễ dàng can thiệp trước tình hình giá CO2 tăng đột biến.

Các bộ trưởng ủng hộ hai đạo luật khác nhằm tăng cường các mục tiêu cắt giảm khí thải quốc gia Brussels đặt ra cho các quốc gia trong một số lĩnh vực, và tăng cường các bể chứa carbon tự nhiên như các cánh rừng.

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1