Sự kiện Thứ ba, 03/05/2022, 10:00 GMT+7
Châu Âu đã mua 46 tỷ USD năng lượng Nga từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu

Doanh thu của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang Liên minh châu Âu tăng mạnh  trong hai tháng đầu của cuộc xâm lược Ukraine, dù một số người mua tránh xa năng lượng Nga và tìm nhà cung cấp thay thế, theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA ).

m3 eu1

Nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Liên minh châu Âu đạt 44 tỷ euro (46.3 tỷ USD) từ ngày 24/2, ngày Nga tiến hành cuộc xâm lược, đến ngày 24/4, cao hơn gấp đôi giá trị năng lượng các nước EU nhập khẩu từ Nga trong hai tháng cùng kỳ năm ngoái, theo nhà phân tích hàng đầu của CREA, Lauri Myllyvirta.

Sự gia tăng này phần lớn do giá cao hơn, thay vì khối lượng tăng.

Liên minh châu Âu chiếm khoảng 70% doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trên toàn cầu, lên tới 63 tỷ euro (66.3 tỷ USD) trong hai tháng này.

Giá năng lượng đã tăng trong năm qua khi các quốc gia ra khỏi các đợt phong tỏa, đẩy nhu cầu lên cao. Việc Nga xâm lược Ukraine đã tiếp tục đẩy giá dầu và khí đốt lên. Các quốc gia thành viên OPEC cũng không đạt được mức tăng sản lượng như đã hứa, khiến nguồn cung thắt chặt hơn.

Liên minh châu Âu nhập khẩu thêm 10% khí đốt của Nga thông qua các đường ống trong hai tháng này, và thêm 20% khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhưng lượng xuất khẩu dầu và than của Nga sang EU lần lượt giảm 20% và 40%. Những con số này được công bố khi châu Âu đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cấm nhập khẩu dầu của Nga và xúc tiến việc quay lưng với khí đốt của Nga để ngừng làm giàu cho Điện Kremlin, đồng thời gián tiếp tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Điều này cũng diễn ra khi công ty năng lượng Gazprom của Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, trong một nỗ lực nhằm gây áp lực buộc các công ty châu Âu phải thanh toán bằng đồng ruble. Nga đang cố gắng chống đỡ đồng tiền đang lao đao của mình.

Kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào ngân hàng trung ương nước này và đóng băng khoảng một nửa trong số 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.

“Thực tế kho bạc của họ đang phình ra may mắn nhờ giá nhiên liệu hóa thạch là một hậu quả rất tồi tệ,” theo ông Myllyvirta.

Nhanh chóng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga sẽ là thách thức đối với khối 27 quốc gia, vốn trước chiến tranh phụ thuộc khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu vào Nga, cũng như 27% lượng dầu và 46% lượng than nhập khẩu. Chấm dứt đột ngột những khoản mua này sẽ có tác động trực tiếp nghiêm trọng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Điều này đặc biệt khó khăn đối với Đức, quốc gia mua nhiên liệu hóa thạch Nga lớn nhất trên toàn cầu kể từ cuộc xâm lược, với lượng mua trị giá 9.1 tỷ euro, theo CREA.


m3 eu-f1

 

Biểu đồ của CREA cho thấy 20 nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga tính theo giá trị trong hai tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, sử dụng dữ liệu từ Eurostat, ENTSO-G và UN COMTRADE.

Italy là bên mua lớn nhất tiếp theo, chuyển 6.9 tỷ euro cho Nga, tiếp theo là Trung Quốc, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.

Liên minh châu Âu đã cam kết đến năm 2027 sẽ phá vỡ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và đang nghiên cứu một lệnh cấm vận dầu mỏ có thể được công bố sớm nhất vào tuần tới, nhưng báo cáo cho thấy các biện pháp đa dạng hóa được công bố từ trước đến nay sẽ có rất ít hiệu quả trong ngắn hạn.

“Mọi thứ đã được công bố xoay quanh năng lượng xanh và hiệu quả năng lượng đều rất ấn tượng, nếu bạn nhìn vào tác động khả dĩ trong vài năm tới,” theo ông Myllyvirta.

"Nhưng như đã đề cập, yếu tố ngắn hạn - làm hết sức có thể để hạn chế nguồn thu của Nga trước mắt - thực sự đang thiếu."

Để đưa ra kết luận, các nhà nghiên cứu của CREA đã theo dõi việc giao hàng bằng đường biển, sử dụng dữ liệu vị trí tàu (AIS) và việc giao hàng bằng đường ống, sử dụng dữ liệu từ Eurostat và Mạng lưới các nhà khai thác hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu.

Một số công ty năng lượng châu Âu hiện đang đàm phán với Gazprom về các hợp đồng khí đốt. Hôm thứ Năm, 28/4, công ty Uniper của Đức và công ty OMV của Áo cho biết họ tin rằng có thể tuân thủ cơ chế thanh toán mới của Moscow mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1