Điều gì sẽ xảy ra nếu Moscow cắt nguồn khí đốt khi xung đột Ukraine ngày càng sâu sắc? |
Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt vì cuộc xâm lược Ukraine, khu vực này vẫn có thể vượt qua được mùa đông tới, nhưng sẽ không dễ dàng hay ít tốn kém. 0Đây là kết luận từ một báo cáo được công bố hôm thứ Hai, 1/3, của Bruegel. Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels cảnh báo "phải chuẩn bị cho việc tất cả các dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu chấm dứt hoàn toàn." Theo các nhà nghiên cứu của Bruegel, “Nếu EU bị buộc hoặc sẵn sàng chịu chi phí, có thể thay thế khí đốt của Nga cho mùa đông tới mà hoạt động kinh tế không bị tàn phá, người dân bị lạnh cóng hoặc nguồn cung điện bị gián đoạn. Nhưng trên thực tế, hàng chục quy định sẽ phải được sửa đổi, xem xét lại các thủ tục và hoạt động thông thường, nhanh chóng chi thật nhiều tiền và đưa ra các quyết định khó khăn." Nhờ lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng kỷ lục từ các quốc gia như Hoa Kỳ trong những tháng gần đây, châu Âu sẽ có thể kéo dài qua mùa hè mà không bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng ngay cả khi Nga cố tình cắt nguồn cung khí đốt - hoặc nếu cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hỏng giữa lúc giao tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, Bruegel cho rằng khối này cần bắt đầu suy nghĩ cách bổ sung lượng tồn kho các quốc gia trên khắp châu Âu dựa vào để chiếu sáng và sưởi ấm nhà cửa. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga. Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, bị ảnh hưởng đặc biệt: Nga cung cấp khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên của nước này. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhận khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga, trong khi Ba Lan nhận 80%. Than đá và khí hậu Theo Bruegel, nếu nhập khẩu của Nga dừng lại, châu Âu sẽ cần giảm nhu cầu khí đốt ít nhất 400 terawatt giờ, hoặc khoảng 10% đến 15% nhu cầu hàng năm. Nhóm cho biết điều này là "có thể," nhưng sẽ cần thay đổi chính sách. Một số lựa chọn bao gồm tăng cường sử dụng các nhiên liệu thay thế như than đá, hoãn việc loại bỏ các nhà máy hạt nhân hoặc giảm nhu cầu từ các nhà sản xuất công nghiệp. Kịch bản này cũng giả định EU "có thể mua được lượng LNG nhiều chưa từng có, các bên tham gia thị trường có đủ động lực để mua và dự trữ khí đốt giá cao và sau đó phân phối liền mạch giữa các quốc gia." Đặc biệt, sử dụng than nhiều hơn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu. Một báo cáo quan trọng do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn công bố hôm thứ Hai, 1/3, cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu đang biến đổi sự sống trên Trái đất như chúng ta từng biết, với những tác động gây rối loạn và lan rộng hơn các nhà khoa học dự kiến 20 năm trước. Châu Âu đang bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai. Vào Chủ nhật, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đưa ra quyết định ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga vào tuần trước, cho biết nước này sẽ xây dựng hai nhà kho LNG mới. “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nguồn cung năng lượng cho đất nước chúng ta,” ông Scholz nói. Đức cũng được cho là đang xem xét liệu có nên kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của họ, những nhà máy sẽ đóng cửa trong năm nay hay không. Theo Bruegel, việc quản lý chi phí, cũng như phối hợp giữa các chính phủ và các công ty, sẽ là một thách thức khi châu Âu cố gắng bổ sung nguồn cung cấp khí đốt của mình. Giá khí đốt ở châu Âu đang thấp hơn mức cao kỷ lục hồi tháng 12 nhưng vẫn cao. Bổ sung khoảng 70 terawatt giờ khí đốt vào kho dự trữ của EU trước mùa đông tới sẽ tiêu tốn ít nhất 70 tỷ € (79 tỷ USD), so với 12 tỷ € (13.5 tỷ USD) trong những năm trước. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|