Nước Đức có nguy cơ suy thoái khi cuộc khủng hoảng khí đốt Nga ngày càng sâu sắc |
Nước Đức phải đối mặt với suy thoái nhất định nếu nguồn cung khí đốt Nga ngừng trệ hoàn toàn, một cơ quan trong ngành cảnh báo, và Italy cho biết họ sẽ xem xét hỗ trợ tài chính giúp các công ty nạp lại kho khí đốt để tránh một cuộc khủng hoảng sâu hơn trong mùa đông. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu từ Biển Baltic ở phía bắc đến biển Adriatic ở phía nam đã phát thảo các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung sau khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đặt năng lượng vào trung tâm của cuộc chiến kinh tế giữa Moscow và phương Tây. EU phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt trước chiến tranh - 55% đối với Đức. Một số quốc gia đã phản ứng bằng cách tạm thời lùi kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than. Giá khí đốt đã đạt mức kỷ lục, dẫn đến lạm phát tăng mạnh và gây thêm thách thức cho các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng ngăn châu Âu trở lại thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Hiệp hội ngành công nghiệp BDI của Đức đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 xuống còn 1.5% so với mức 3.5% dự kiến trước khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24/2. Hiệp hội cho biết việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể tránh khỏi suy thoái. Khí đốt của Nga vẫn được bơm qua Ukraine nhưng với tốc độ chậm hơn. Đường ống Nord Stream 1 dưới biển Baltic, tuyến đường cung cấp quan trọng sang Đức, chỉ đang hoạt động với 40% công suất. Moscow cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở việc sửa chữa; Châu Âu cho rằng đây là lý do để Nga giảm dòng chảy khí đốt. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck, nguồn cung bị cắt giảm dẫn đến một cuộc tấn công kinh tế và là một phần trong kế hoạch gây sợ hãi của Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Đây là một chiều hướng mới,” ông Habeck nói. "Chiến lược này không thể được phép thành công." Dòng khí đốt chậm lại cản trở nỗ lực của châu Âu trong việc bổ sung các cơ sở lưu trữ, hiện đã đầy khoảng 55%, để đáp ứng mục tiêu 80% trên toàn EU vào tháng Mười và 90% vào tháng 11, mức có thể giúp EU này vượt qua mùa đông nếu nguồn cung bị gián đoạn thêm. Chính phủ Italy đã công bố các biện pháp ban đầu nhằm tăng cường dự trữ khí đốt sau khi công ty năng lượng Eni ghi nhận dòng chảy khí đốt từ Nga bị thiếu trong hơn một tuần. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái Roberto Cingolani trong một tuyên bố cho biết, chính phủ dự định mua than nếu họ cần sử dụng các nhà máy nhiệt điện than để tiết kiệm khí đốt. ông Cingolani cũng yêu cầu nhà điều hành mạng lưới khí đốt Snam áp dụng các biện pháp giúp đưa lượng khí dự trữ đến mức mục tiêu trong tháng Sáu. Giá khí đốt chuẩn cho châu Âu đang giao dịch quanh mức 126 euro ($133) mỗi megawatt giờ (MWh), thấp hơn mức đỉnh 335 euro của năm nay nhưng tăng hơn 300% so với một năm trước. 'CHÚNG TA CÓ MỘT VẤN ĐỀ' Các quốc gia khác ngoài Italy, trong đó có Áo, Đan Mạch, Đức và Hà Lan, đã kích hoạt giai đoạn cảnh báo sớm đầu tiên của kế hoạch ba giai đoạn để đối phó với cuộc khủng hoảng cung ứng khí đốt. Cơ quan quản lý khí đốt Bundesnetzagentur của Đức đã phác thảo chi tiết về một hệ thống đấu giá mới sẽ bắt đầu trong những tuần tới, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất tiêu thụ ít khí đốt hơn. Người đứng đầu Bundesnetzagentur đặt câu hỏi liệu các nguồn khí đốt hiện tại có giúp đất nước vượt qua mùa đông hay không. Trước đó, ông nói rằng còn quá sớm để tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn bộ, hoặc giai đoạn thứ ba của kế hoạch xử lý khủng hoảng. “Hiện tại, chúng ta có một vấn đề,” Chủ tịch Bundesnetzagentur Klaus Mueller nói bên lề một sự kiện trong ngành. Giám đốc điều hành của công ty điện lực lớn nhất Đức RWE, ông Markus Krebber, cho rằng châu Âu có rất ít thời gian để lên kế hoạch. "Chúng ta sẽ phân phối lại khí đốt như thế nào nếu nguồn cung bị cắt hoàn toàn? Hiện tại không có kế hoạch... ở cấp độ châu Âu... vì mọi quốc gia đều đang quan tâm đến kế hoạch khẩn cấp của họ," ông nói. Giá khí đốt châu Âu tăng cao đã thu hút được nhiều lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hơn, nhưng châu Âu thiếu cơ sở hạ tầng để đáp ứng mọi nhu cầu từ LNG, một thị trường vốn đã eo hẹp ngay cả trước cuộc chiến Ukraine. Các gián đoạn ở một nhà sản xuất LNG lớn của Hoa Kỳ càng tăng thêm thách thức. Châu Âu đang tìm kiếm thêm nguồn cung từ các nhà sản xuất của chính họ, chẳng hạn như Na Uy và các quốc gia khác, trong đó có cả Azerbaijan, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều đang sản xuất hết công suất. Ngay cả quốc gia tiêu dùng nhỏ, Thụy Điển, cũng cùng các đồng minh châu Âu khởi động giai đoạn đầu của kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng. Cơ quan năng lượng nhà nước cho biết nguồn cung vẫn dồi dào nhưng tỏ dấu hiệu "cho các công ty trong ngành và khách hàng tiêu thụ khí đốt có kết nối với mạng lưới khí đốt phía tây Thụy Điển, rằng thị trường khí đốt đang căng thẳng và tình hình cung cấp khí đốt xấu đi có thể phát sinh." Thụy Điển, nơi khí đốt chiếm 3% năng lượng tiêu thụ trong năm 2020, phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Đan Mạch, nơi các kho chứa hiện đã đầy 75%. Đan Mạch đã kích hoạt giai đoạn đầu của kế hoạch khẩn cấp vào thứ Hai, 20/6. Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|