Doanh nghiệp Thứ tư, 15/02/2023, 13:10 GMT+7
Việt Nam kêu gọi DN Nhật Bản chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam

f15 jap

Sáng ngày 15/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tham dự và phát biểu định hướng thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản 2023. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Theo Phó Thủ tướng, trải qua nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, sâu rộng, toàn diện với nhiều bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực.

Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2009 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2014.

Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng được củng cố trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả; giao lưu nhân dân được mở rộng, kết nối văn hóa được tăng cường.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng lên nửa triệu người, trong đó đa số là đội ngũ nhân lực trẻ, năng động, đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nhật Bản và là cầu nối hữu nghị vững chắc, góp phần cho quan hệ hai nước ngày càng gắn kết, bền chặt hơn.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là một điểm sáng, là động lực quan trọng để đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Hai bên cũng đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục…

Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với 4.978 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 69 tỷ USD tính đến tháng 12/2022.

Đáng chú ý, các dự án quy mô lớn mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, hoạt động hiệu quả.

Đề cập đến tình hình phát triển của Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục mới 732,5 tỷ USD, thu hút khách du lịch nước ngoài tăng hơn 20 lần so với năm 2021.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt 409 tỷ USD, quy mô thương mại thuộc nhóm 30 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.

Việt Nam cũng đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Giữa lúc kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế. Một trong những ví dụ điển hình là năm 2022, vốn đầu tư thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.

Với những kết quả thu hút đầu tư tích cực, lần đầu tiên, Việt Nam được Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu trên thế giới. Năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lần lượt là 6,2 và 6,7%.

Phó Thủ tướng cho rằng để đạt được những thành tựu trên, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao của Việt Nam, còn có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả và hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Để quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển, gặt hái được nhiều thành quả to lớn hơn nữa, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Hai bên cần không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, trong đó trọng tâm là khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội từ các thỏa thuận, hiệp định hợp tác đã ký kết, cả ở cấp độ song phương và đa phương, coi đây là động lực quan trọng để hai nước sớm đạt mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) bày tỏ hy vọng Diễn đàn năm nay sẽ là điểm khởi đầu hướng tới sự phát triển kinh tế và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới.

Diễn đàn không chỉ là sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hai nước mà còn xây dựng tầm nhìn đồng sáng tạo kinh tế hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác Nhật Bản –ASEAN.

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, hiện nay các hoạt động kinh tế của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi nổi với 3 phòng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có hơn 800 hội viên tại Hà Nội.

Nhật Bản có hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, là nước có nhiều doanh nghiệp đứng thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Theo một khảo sát, khoảng 60% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai, vượt xa mức tăng trung bình của ASEAN là 47%, Đại sứ Yamada Takio cho biết.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tiếp đoàn doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đang có chuyến thăm Việt Nam, do ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) dẫn đầu.

Theo Báo Điện Tử Chính Phủ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1