Doanh nghiệp Thứ hai, 06/03/2023, 09:56 GMT+7
Đơn hàng giảm 1/3, doanh nghiệp ngành gỗ chịu áp lực lớn tìm đầu ra cho sản phẩm

Trong bối cảnh những khó khăn và thách thức thị trường vẫn còn đó, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ sụt giảm mạnh đến 34,8% trong hai tháng đầu năm nay

m6 wood1

Duy nhất viên nén gỗ có kim ngạch xuất khẩu tăng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương, ước tính, tháng 02/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 806 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 1/2023 và giảm 10,9% so với tháng 2/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 490 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng 1/2023 và giảm 29,7% so với tháng 2/2022.

Hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2023 vẫn giảm là do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình trạng thiếu đơn hàng và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài trong tháng 1/2023 là yếu tố chính khiến trị giá xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh trong tháng 1/2023.

Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất và có tốc độ giảm mạnh. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 164 triệu USD, giảm 52,9% so với tháng 01/2022; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 119,3 triệu USD, giảm 63,1%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 79,5 triệu USD, giảm 64,7%...

Đáng chú ý, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 1/2023, chỉ có mặt hàng viên nén gỗ có trị giá tăng và mặt hàng dăm gỗ có trị giá giảm nhẹ so với tháng 1/2022. Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu dăm gỗ và viên nén gỗ.

Theo Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (ViFores), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có quy mô lớn thứ 5 thế giới, trong đó tăng trưởng chính bằng hai mảng là nguyên liệu trung gian (như ván ép đến viên nén, dăm gỗ…) và chế biến sâu - tức đồ nội thất. Tuy nhiên năm 2022, tăng trưởng của ngành gỗ phải dựa vào nguyên liệu trung gian.

“Năm qua, trong khi mảng đồ nội thất bị suy giảm do lạm phát, suy thoái, thắt chặt chi tiêu ở các thị trường chính như châu Âu, Mỹ, thì xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tăng mạnh. Việt Nam xuất khẩu viên nén gỗ chủ yếu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, còn dăm gỗ xuất đi thị trường Trung Quốc. Trung Quốc mua dăm gỗ làm nguyên liệu sản xuất các loại bao bì giấy và làm viên nén. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của các sản phẩm phụ, phế phẩm ngành gỗ của Việt Nam”, Chủ tịch ViFores cho biết.

Người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn từ chất lượng

Theo phản ảnh từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với những khó khăn thách thức và do nhu cầu sức mua trên toàn cầu giảm mạnh. Chính vì vậy, số các đơn hàng ngành gỗ đã giảm đến 1/3 so với cùng kỳ năm trước, tình hình này thật sự là rất khó khăn cho ngành gỗ.

Điều này xuất phát từ thực tế kinh tế thế giới suy thoái chưa có dấu hiệu phục hồi nhất là tại một số khu vực thị trường lớn còn rất khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, điều này được thể hiện qua kết quả kim ngạch xuất khẩu của hai tháng đầu năm và một số những dự báo cho những tháng tiếp theo.

Và trong xu hướng thắt chặt chi tiêu do lạm phát, người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ chất lượng đến sự khác biệt trong mẫu mã thiết kế sản phẩm đồ gỗ. Những doanh nghiệp nào đầu tư nhiều cho khâu thiết kế, phát triển các dòng sản phẩm mang màu sắc riêng, bắt mắt sẽ thu hút được khách mua hàng quốc tế.

Chủ tịch ViFores thông tin thêm, tình hình lạm phát trên thế giới diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn từ cuối tháng 9/2022, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn hàng cho những tháng cuối năm của ngành gỗ, cũng như khó tìm ra những đơn hàng mới trong các tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc hoàn thuế chậm trễ, cộng với hiệu ứng dừng đầu tư, thi công của các doanh nghiệp bất động sản trong nước, biến động lạm phát của một số quốc gia gay gắt khiến các doanh nghiệp ngành gỗ càng chịu áp lực lớn hơn từ việc tìm đầu ra sản phẩm, duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và duy trì được sự tồn tại của đơn vị.

“Để đạt được mục tiêu này tăng trưởng 3,5% trong năm nay rất cần sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ về chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự quyết tâm đưa sản phẩm gỗ Việt Nam trở lại với thị trường thế giới, khẳng định giá trị và sức nặng của ngành gỗ trong năm nay”, Chủ tịch ViFores nói.

Theo BizLive


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1