Doanh nghiệp Thứ tư, 22/06/2022, 09:27 GMT+7
Canada sẽ cấm đồ nhựa sử dụng một lần, gồm cả túi đựng hàng hóa và ống hút

Hôm thứ Hai, 20/6, chính phủ Canada tuyên bố sẽ cấm sản xuất và nhập khẩu nhựa sử dụng một lần vào cuối năm nay, một nỗ lực lớn nhằm chống rác thải nhựa và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

jn22 canada

Lệnh cấm sẽ bao gồm các mặt hàng như túi mua sắm, dao kéo, ống hút và đồ dùng phục vụ dịch vụ thức ăn mang đi được làm từ hoặc chứa nhựa khó tái chế, với một số ngoại lệ vì lý do y tế. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2022 và việc bán những mặt hàng này sẽ bị cấm kể từ tháng 12/2023 để các doanh nghiệp ở Canada có đủ thời gian chuyển đổi và xử lý hết tồn kho hiện có, chính phủ cho biết.

Nhựa sử dụng một lần chiếm phần lớn rác thải nhựa trên các bờ biển Canada. Theo số liệu của chính phủ, có tới 15 tỷ túi nhựa mua sắm được sử dụng mỗi năm và khoảng 16 triệu ống hút được sử dụng mỗi ngày.

Thủ tướng Justin Trudeau, người từng tuyên bố năm 2019 sẽ loại bỏ chất dẻo, cho biết lệnh cấm sẽ loại bỏ hơn 1.3 triệu tấn chất thải nhựa trong thập kỷ tới - tương đương 1 triệu túi rác.

“Chúng tôi đã hứa sẽ cấm đồ nhựa sử dụng một lần có hại và chúng tôi đang giữ lời hứa đó,” ông Trudeau viết trong một tweet hôm thứ Hai.

Canada cũng sẽ cấm xuất khẩu những loại nhựa này đến cuối năm 2025 để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa quốc tế.

“Đến cuối năm nay, bạn sẽ không thể sản xuất hoặc nhập khẩu những loại nhựa độc hại này. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu cung cấp các giải pháp bền vững người Canada muốn, có thể là ống hút giấy hay túi tái sử dụng,” theo Steven Guilbeault, Bộ trưởng liên bang về môi trường và biến đổi khí hậu.

“Với những quy định mới, chúng tôi đang thực hiện một bước tiến lịch sử trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa và giữ cho cộng đồng của của mình và những nơi chúng tôi yêu thích sạch sẽ,” Guilbeault nói.

Nỗ lực của Canada được đưa ra khi các quốc gia bắt đầu áp đặt lệnh cấm để chống lại các vấn đề nhựa, vốn được sản xuất từ dầu mỏ và có thể mất hàng trăm năm để phân hủy.

Hoa Kỳ là quốc gia có rác thải nhựa lớn nhất thế giới, theo một báo cáo được Quốc hội ủy nhiệm thực hiện năm 2021. Trong tháng này, Bộ Nội vụ Hoa Kỳ cho biết họ sẽ loại bỏ dần việc bán các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các công viên quốc gia và các khu đất công đến năm 2032.

Sarah King, người đứng đầu chiến dịch nhựa và đại dương của tổ chức Hòa bình xanh Canada, cho rằng lệnh cấm của Canada là một bước tiến quan trọng, nhưng “chúng ta thậm chí vẫn chưa ở vạch xuất phát.”

“Chính phủ cần tăng tốc bằng cách mở rộng danh sách cấm và giảm sản lượng nhựa tổng thể. Dựa vào tái chế 95% nhựa còn lại là phủ nhận phạm vi của cuộc khủng hoảng này," bà King nói.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1