Các hãng công nghệ quay trở lại với cuộc đua giành "miếng bánh" smartphone nắp gập |
Dù Samsung hiện vẫn là kẻ thống trị trên thị trường smartphone màn hình gập, một số hãng công nghệ khác tới từ Trung Quốc cũng đều đang cho thấy những bước đi cụ thể để nhắm tới "miếng bánh" này
Cuối tuần qua, Oppo đã chính thức tổ chức sự kiện mở bán Oppo Find N2 Flip - chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên của hãng được ra mắt tại Việt Nam ở nhiều chuỗi bán lẻ công nghệ lớn như Thegioididong, Didongviet hay Cellphones... Với kích thước 3,26 inch, Find N2 Flip là điện thoại gập dọc sở hữu màn hình ngoài lớn nhất hiện nay. Màn hình ngoài lớn mở ra nhiều tiện ích mới khi sử dụng, trở thành khu vực thao tác thường xuyên và nhanh chóng cho các tác vụ cơ bản như kiểm tra thông báo hay chụp ảnh selfie. Tỷ lệ màn hình dạng dọc cũng tạo nên sự khác biệt, cho phép giao diện hiển thị tối đa sáu dòng thông báo, nhiều nhất trong các mẫu điện thoại gập dọc hiện tại trên thị trường. Theo ông Văn Bá Luýt, Giám đốc sản phẩm OPPO Việt Nam, chỉ sau vài ngày bắt đầu chương trình đặt trước, Find N2 Flip phiên bản Tím Sương đã đón nhận sự quan tâm lớn từ người dùng Việt khi có hơn 70% khách hàng lựa chọn, chứng tỏ sức hút của màu sắc trẻ trung phù hợp với thị hiếu của đông đảo người dùng. Với mức giá "ngót" 20 triệu đồng, ông Nguyễn Kim Đức – Giám đốc bán hàng Hoàng Hà Mobile cho rằng Oppo Find N2 Flip có thể xem là đối thủ nặng ký với các sản phẩm máy gập trên thị trường hiện nay bởi mức giá bán đang rẻ nhất cho dòng điện thoại gập. Như vậy, bên cạnh đối thủ Galaxy Z Flip 4 tới từ Samsung, người dùng Việt nay đã có thêm lựa chọn chính hãng mới tới từ OPPO – một thương hiệu được đa phần giới trẻ biết tới. Từng là sân chơi riêng của Samsung Sau 4-5 năm kể từ thời điểm đầu tiên xuất hiện, đến nay dòng smartphone màn hình gập, trong đó có kiểu "vỏ sò" nhờ cấu tạo đặc biệt của mình, cũng như kiểu dáng thời trang đã ngày càng thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của người dùng. Xuất hiện lần đầu vào 2018, dòng smartphone gập là giải pháp có tính đột phá, thay đổi đáng kể trải nghiệm của người dùng. Kể từ thời điểm đó, doanh số và thị phần của mảng kinh doanh này liên tục tăng ở mức 2-3 con số mỗi năm. Tuy "ông lớn" công nghệ là Apple còn chưa đặt chân tới thị trường này, song không vì thế mà nó thiếu đi sự cạnh tranh. Và dù Samsung hiện đang thống trị thị trường điện thoại màn hình gập nhưng các thương hiệu lớn, đa số tới từ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Oppo hay Vivo cũng đều đã nhập cuộc để cho ra các mẫu điện thoại tương tự. Tuy nhiên, với người dùng trong nước, hiện vẫn khó tiếp cận các thiết bị đó một cách chính hãng. Chưa kể, việc sản phẩm có tính mới, còn lạ lẫm, khiến không nhiều người chọn mua dòng này hàng xách tay như smartphone thông thường. Như trên, tại Việt Nam, dù nhận được nhiều sự quan tâm và dòng sản phẩm này cũng có đóng góp khá về doanh thu bởi giá trung bình tương đối cao, nhưng trước năm 2023, smartphone màn hình gập chủ yếu vẫn là thiết bị mang tính độc quyền của nhà Samsung. Đến nay, hãng sản xuất Hàn Quốc đã ra mắt đến thế hệ thứ 4 và biến series Galaxy Z trở thành dòng flagship thứ 2 của mình. Vẫn cần một chặng đường dài... Theo Counterpoint Research, tổng số smartphone màn hình gập được bán ra vào năm 2022 trên toàn cầu khoảng 13 triệu chiếc, tăng 43,2% so với năm trước. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn mức dự báo khoảng 15-16 triệu máy, được công bố hồi giữa năm. Điểm đáng chú ý là mức tăng trưởng cao của điện thoại gập diễn ra trong giai đoạn đi xuống của thị trường smartphone. Trong giai đoạn này, toàn ngành có thể nói là rơi vào xu thế giảm sút bởi đạt gần ngưỡng bão hòa. Dù thế, về tổng thể, lượng máy bán ra trong năm 2022 của dòng máy gập mới chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng lượng smartphone bán ra trên toàn cầu. Vậy đâu là điều khiến việc phổ cập smartphone màn hình gập chưa thể là câu chuyện có thể sớm thực hiện trong một vài năm? Trước hết, về giá cả, dòng điện thoại gập cũng luôn có mức giá không rẻ. Đơn cử, ở thời điểm ra mắt, Galaxy Fold, smartphone gập đầu tiên của Samsung có mức giá tới gần gấp đôi iPhone XS. Hay những chiếc Galaxy Z Flip 4 và Galaxy Z Fold 4 hiện có mức giá từ 18 đến hơn hơn 30 triệu đồng tùy phiên bản. Còn Find N2 Flip ra mắt đầu tháng 4 của Oppo cũng có giá tới gần 20 triệu đồng. Còn về mặt công nghệ, nếu như điểm yếu của dòng smartphone "vỏ sò" là có phần bản lề khá mong manh những ngày đầu ra mắt thì tới nay chúng đã thẩm mỹ và có độ bền hơn rất nhiều. Như với Galaxy Z Flip 4, Samsung hứa hẹn thiết bị của mình đủ bền để trải qua tối thiểu 200.000 lần gập - tức là khoảng 5 năm nếu sử dụng mở 100 lần gập mở/ngày. Trong khi đó, Find N2 Flip - chiếc "vỏ sò" mới toanh của Oppo thì tuyên bố có thể đáp ứng tới hơn 400.000 lần gập mở, tương đương với khoảng 100 lần/ngày trong10 năm. Dù vậy, do màn hình trên một chiếc smartphone gập phải mở ra, đóng lại liên tục nhiều lần trong ngày nên ít nhiều nó vẫn sẽ để lại nếp nhăn; và vấn đề này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi người dùng sử dụng máy lâu dài. Và điều này có thể phần nào ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng khi họ lướt ngón tay trên màn hình. Vì vậy, để tạo ra một chiếc smartphone màn hình gập mà không có bất kỳ nếp nhăn nào hiện vẫn đang là một thách thức lớn với các hãng công nghệ... Chưa kể, dù đã được các nhà sản cải tiến liên tục qua nhiều năm nhưng màn hình gập vẫn khá dễ bị trầy xước và hư hỏng hơn so với màn hình thông thường. Đây là điều khó tránh khỏi bởi nó phải sử dụng các vật liệu mềm, dẻo để gập lại và không được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass như các smartphone màn hình phẳng. Theo BizLive Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|