Doanh nghiệp Thứ hai, 15/05/2023, 10:11 GMT+7
Nỗi lo phía sau xu hướng sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài

Xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay gây ra không ít lo ngại, một trong số đó là cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng trở nên kém thu hút. Tuy nhiên, có nhiều điều còn đáng lo ngại hơn.

m15 fdi

Có nên quá lo lắng?

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8.88 tỷ USD, giảm 17.9% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu 3 tháng đầu năm ghi nhận mức sụt giảm lên đến gần 39% so với cùng kỳ, còn 2 tháng là 38%.

Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên quá lo lắng trước sự sụt giảm này. Thứ nhất, dữ liệu trên cho thấy tốc độ đi xuống sang tháng 4 đã giảm đáng kể so với 2 tháng trước đó. Thứ hai, do trong 4 tháng đầu năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký lên đến 1.32 tỷ USD.

Ngoài ra, nếu đi vào chi tiết hơn, sẽ thấy sự sụt giảm trong 4 tháng đầu năm chủ yếu diễn ra ở lượng vốn đăng ký điều chỉnh, khi có 386 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư chỉ tăng thêm 1.66 tỷ USD, giảm đến 68.6% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất, khiến rủi ro tỷ giá tại những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam gia tăng, có lẽ đã ảnh hưởng lên động lực rót vốn thêm cho các dự án hiện hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngược lại, vốn đăng ký cấp mới có 750 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4.11 tỷ USD, tăng 65.2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 11.1% về số vốn đăng ký. Điều này cho thấy trong dài hạn Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như vẫn là một trong những quốc gia hưởng lợi trong xu hướng tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng suốt thời gian qua.

Ngoài ra, dòng vốn đăng ký cấp mới vẫn tăng trưởng cũng cho thấy các tập đoàn nước ngoài dự báo lãi suất trên toàn cầu có thể giảm trở lại trong những năm tới, khi đó các dự án đăng ký này đã đăng ký trước sẽ đón đầu xu hướng giảm lãi suất và tận dụng nguồn vốn rẻ hơn để bắt đầu giải ngân. Dù vậy, nếu so với giai đoạn trước đó, lượng vốn đăng ký 4.11 tỷ USD nói trên vẫn thấp hơn nhiều con số 8.46 tỷ USD của năm 2021, 6.78 tỷ USD của năm 2020 và 5.35 tỷ USD của năm 2019.

Xu hướng tất yếu

Xu hướng dân số già hóa khiến thị trường tiêu thụ giảm bớt sức hấp dẫn, trong khi chi phí nhân công gia tăng, môi trường kinh doanh khó khăn,…được cho là một trong những yếu tố ảnh hưởng lên xu hướng dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có định hướng chọn lọc các dự án FDI kỹ càng hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường , giảm lượng khí thải để hướng tới phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu, cũng phần nào tác động đến dòng vốn FDI.

Cụ thể, vào tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư vốn FDI, theo đó 2 trong 5 quan điểm chỉ đạo đối với dòng vốn FDI gồm: (i) “việc thu hút FDI phải chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, sạch, hiện đại…,” và (ii) “thu hút FDI phải đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự…”

Về các yếu tố khách quan, những tác động từ chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát tăng cao và rủi ro suy thoái tại nhiều nước, khiến hoạt động đầu tư toàn cầu cũng bị suy giảm theo và Việt Nam có lẽ cũng khó tránh khỏi xu hướng chung này. Riêng trong năm nay còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ, mà đã khiến một số tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam.

Trong khi đó, một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ gần đây cũng thay đổi chính sách để lôi kéo dòng vốn đầu tư quốc tế quay trở lại bằng nhiều chính sách thu hút, vì vậy những quốc gia thu hút FDI mạnh mẽ trong những năm trước đây như Việt Nam cũng bị cạnh tranh quyết liệt.

Lo thâu tóm nhiều hơn

Nếu như dòng vốn FDI sụt giảm là hệ quả tất yếu trước xu hướng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư toàn cầu và thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, nỗi lo ngại lớn hơn nằm ở nguy cơ các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế, môi trường lãi suất cao nên đang nguy cơ bị thâu tóm hàng loạt bởi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. 

Cụ thể, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1,044 lượt với tổng giá trị góp vốn 3.11 tỷ USD, tăng 70.4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 461 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1.08 tỷ USD và 583 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2.03 tỷ USD.

Nếu như việc góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp có thể nhằm hợp tác cũng như là chính sách huy động vốn từ nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ hơn, thì việc góp vốn nhưng không làm tăng vốn điều lệ hàm ý doanh nghiệp trong nước đã bị sang tay qua các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý, giá trị góp vốn không làm tăng vốn điều lệ trong 4 tháng đầu năm cao gấp đôi so với giá trị góp vốn làm tăng vốn điều lệ.

Đặc biệt ở hoạt động đầu tư gián tiếp này, lượng vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1.51 tỷ USD, chiếm 48,5% giá trị góp vốn, trong đó riêng thương vụ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) đầu tư mua cổ phần của Ngân hàng VPBank đã lên đến 1.5 tỷ USD. Kế tiếp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 635.8 triệu USD, chiếm 20.4%; các ngành còn lại 966.7 triệu USD, chiếm 31%.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết nhiều doanh nghiệp đã phải bán gần hết tài sản, “những gì bán được đã bán, và bán có 50% giá thực”, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và khả năng hấp thu vốn hạn chế. Ông Dũng cũng nhấn mạnh, người mua “toàn là nước ngoài”.

 

Nếu như dòng vốn FDI sụt giảm là hệ quả tất yếu trước xu hướng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư toàn cầu và thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, nỗi lo ngại lớn hơn nằm ở nguy cơ các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế, môi trường lãi suất cao nên đang nguy cơ bị thâu tóm hàng loạt bởi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Theo VietStock


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1