Việt Nam ngày càng hấp dẫn dòng vốn FDI nội khối châu Á |
Việt Nam cũng đã chọn lọc hơn khi nhắm đến các khoản đầu tư FDI có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không hoàn toàn dễ dàng như trước đây... Việt Nam có lực hút vốn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng mạnh. Nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt trong nội khối châu Á, đã và đang tiến vào Việt Nam - nơi có một thị trường tiêu thụ nội địa sôi động và được dự báo sẽ vượt xa các thị trường Thái Lan, Anh và Đức đến năm 2030. Loạt hiệp định tự do thương mại đã có càng mở rộng thêm vị thế và sức hút trên. Đó là những điểm chính được ông Joonsuk Park - Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp của HSBC Việt Nam nhấn mạnh trong bài viết mới đây, nhận định về dòng vốn FDI vào Việt Nam. Theo ông Park, không nghi ngờ gì nữa, dòng vốn FDI vào Việt Nam đóng một vai trò chủ chốt và góp phần vào câu chuyện tăng trưởng của đất nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy và giúp Việt Nam chuyển mình thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trong khu vực. "Thế giới đã chứng kiến Việt Nam đạt được những chuyển biến tiến bộ về khung pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hình thành hệ sinh thái sản xuất - chuỗi cung ứng đặc trưng, và sự xuất hiện của một thế hệ tài năng trẻ có tinh thần khởi nghiệp, những người sẽ dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, bỏ qua giai đoạn kinh tế truyền thống (analog economy) mà hầu hết các quốc gia đã trải qua", bài viết nêu tổng quan những thuận lợi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Cũng theo ông Park, ngày nay, Việt Nam đã thành công trở thành một thị trường cận biên hàng đầu tại châu Á và là một nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Các công ty đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có đặc quyền được tự do tiếp cận 15 trong số các thị trường nhóm G20. Chính phủ Việt Nam đã tích cực tìm cách tận dụng các hiệp định tự do thương mại (FTA) như một công cụ quan trọng tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu của đất nước. Việt Nam hiện có 15 FTA và nhiều hiệp định khu vực bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những nỗ lực thậm chí còn rõ nét hơn khi Việt Nam, ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã cam kết và kiên trì thực hiện các FTA quan trọng bao gồm Hiệp định tự do thương mại Anh - Việt Nam, RCEP và CPTPP. Thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam cũng là một “đấu trường” quan trọng không kém đối với các công ty đa quốc gia khi tiến vào đây. Nghiên cứu của HSBC cho thấy đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ vượt xa các thị trường Thái Lan, Anh và Đức. Bài viết trên đưa ra dữ liệu, các nhà đầu tư FDI hoặc các công ty đa quốc gia trong khu vực và toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam đóng góp hiệu quả cho hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và hơn 25% giá trị đầu tư trong nước. Trong số các công ty đa quốc gia đó, phần lớn là các công ty trong nội khối châu Á. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm điện thoại di động, hàng điện tử, máy móc nói chung, hàng may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ,… và đối với tất cả các lĩnh vực này, các công ty đa quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore đóng vai trò không thể thiếu. "Việc thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia trong nội khối châu Á cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam không chỉ nâng tầm giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu, mà đồng thời có lợi cho việc mở rộng cả chiều sâu và chiều rộng của thị trường tiêu thụ nội địa. Những nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực châu Á này hiện vẫn tiếp tục duy trì sự tập trung vào Việt Nam", ông Park nhìn nhận. Bước sang năm 2023, bài viết trên cho biết, HSBC đã chứng kiến một số công ty đa quốc gia toàn cầu ở châu Á thể hiện quan tâm đến Việt Nam, tham gia vào nhiều lĩnh vực bao gồm bán lẻ, chất bán dẫn, điện tử, linh kiện di động, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics... Họ đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào đây. Trong các cuộc họp và sự kiện HSBC tổ chức gần đây với các nhà đầu tư và khách hàng Thái Lan, HSBC nhận thấy tồn tại sự quyết tâm, hào hứng và niềm tin trong cách những nhà đầu tư Thái tìm cách mở rộng hơn nữa và đầu tư vào các lĩnh vực nhà máy thức ăn chăn nuôi, bao bì, bán lẻ, sản xuất và hóa chất, dựa trên triển vọng tăng trưởng trung dài hạn của một thị trường hàm chứa đầy đủ các yếu tố phù hợp đối với sự phát triển. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia và thị trường khác, COVID-19 cũng đã và đang ít nhiều tác động đến Việt Nam. Từ năm 2019 đến năm 2020, lượng vốn FDI mới đăng ký vào Việt Nam đã giảm khoảng 25%. Năm 2021, mức đầu tư giữ không thay đổi trong khi vào năm 2022, các khoản đầu tư tiếp tục giảm nhẹ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. COVID-19 rõ ràng đã khiến nhiều công ty đa quốc gia trên toàn cầu trì hoãn các quyết định đầu tư. Theo chuyên gia HSBC Việt Nam, việc sớm mở cửa đất nước vào cuối năm 2021 ngay lập tức chưa thể thu hút dòng vốn FDI trở lại. Việc lập kế hoạch và quyết định đầu tư đơn giản là cần có thời gian, chưa kể đến việc Việt Nam cũng đã trở nên chọn lọc hơn khi nhắm đến các khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không hoàn toàn dễ dàng như trước đây. Thêm vào đó, các yếu tố như rủi ro địa chính trị gia tăng trên thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, chi phí vay tăng và suy thoái thương mại toàn cầu đang đè nặng lên các quyết định đầu tư của giám đốc quản lý vốn và giám đốc tài chính của những doanh nghiệp đa quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu. Dẫu vậy, quan điểm trung và dài hạn của các công ty về Việt Nam vẫn vững chắc. Bài viết trên cho biết, nhiều nhà đầu tư FDI hiện tại và tiềm năng đều có cùng quan điểm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ có hệ sinh thái sản xuất đã được thiết lập, chi phí cạnh tranh, số lượng công nhân lành nghề ngày càng tăng, sự hỗ trợ pháp lý tiến bộ, tài sản và thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cũng như lợi thế từ việc tận dụng chiến lược Trung Quốc+1. HSBC dự đoán rằng GDP Việt Nam sẽ tăng 5,8% vào năm 2023. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn đó. Suy thoái thương mại toàn cầu đang ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam, lạm phát gia tăng gây cản trở tiêu dùng trong nước, và trong khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự kiến sẽ tác động tích cực đến dòng vốn FDI, xuất khẩu và thu hút khách du lịch, 2023 vẫn sẽ là một năm có nhiều thách thức. Do đó, việc thu hút trở lại dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam có tầm quan trọng thiết yếu đối với cả tăng trưởng xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa. Trong bối cảnh đó, không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của dòng vốn từ nội khối châu Á. Các nhà đầu tư trong khu vực châu Á có hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam từ cả góc độ văn hóa và cách thức kinh doanh. Sự thuận lợi về khoảng cách địa lý cũng giúp những người quyết định việc đầu tư tại các trụ sở chính của doanh nghiệp dễ dàng di chuyển đến thị trường. Bản thân nhiều thị trường châu Á cũng chú trọng xuất khẩu, từ đó hiểu được lợi thế vốn có của việc tận dụng các hiệp định FTA đa dạng của Việt Nam. Thu nhập và tài sản ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt ngày càng củng cố những nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam. Trong khi các công ty đa quốc gia phương Tây đang vật lộn với những thách thức từ kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị, đây có thể là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tập trung nỗ lực thu hút thêm nữa các dòng vốn FDI trong khu vực nội khối châu Á. Có nhiều biện pháp có thể được áp dụng để tăng cường dòng vốn FDI và Chính phủ cũng hiện đang có nhiều nỗ lực để tiến hành, theo đánh giá của chuyên gia HSBC. Nhiệm vụ lúc này là phải tăng tốc gấp đôi tốc độ tiến hành để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào các khung pháp lý. "Việt Nam rõ ràng đang trên hành trình chuyển đổi để trở thành một thị trường mới nổi. Đầu tư FDI tích cực sẽ hỗ trợ đẩy nhanh hành trình đó. May mắn thay, chỉ số PMI tháng 2 vừa qua đã quay trở lại mức 50, báo hiệu sự hồi phục của những đơn đặt hàng xuất khẩu mới", ông Park gợi mở một chuyển biến trong bài viết trên. Theo BizLive Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|