Chứng khoán Thứ hai, 03/04/2023, 09:19 GMT+7
Trái phiếu doanh nghiệp: Còn thiếu gió đông

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại như trước, các động thái mang tính giải cứu từ phía cơ quan quản lý ở thời điểm này là cần thiết nhưng chưa đủ

a3 bonds

Cuộc khủng hoảng ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Là một trong những ngành có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường, nhóm doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiệu ứng này cũng đã lan ra ở các ngành khác, dễ thấy nhất ngân hàng và thị trường chứng khoán, những ngành trọng yếu của nền kinh tế.

Dòng tiền đóng băng trong khi hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu phải đáo hạn trong năm nay và năm sau càng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Chỉ trong chưa đầy ba tháng đầu năm (tính đến ngày 22/3/2023), có khoảng 53 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng gần 149 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng gần 13.6% dư nợ TPDN toàn thị trường.

Để cứu vãn rối rắm trên thị trường trái phiếu, nhiều động thái từ phía cơ quan quản lý nhà nước đã được đưa ra. Những hội nghị “giải cứu” do đích thân Thủ tướng chủ trì cũng phần nào mở ra những tia hy vọng mới mà gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội và tập trung tháo gỡ pháp lý dự án là một trong số đó.

Điều các doanh nghiệp mong chờ nhất cũng xảy ra: Chính phủ ban hành Nghị định 08 về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Theo đó, Nghị định 08 sẽ hợp thức hóa việc một số doanh nghiệp bất động sản có thể thanh toán trái phiếu đến hạn bằng tài sản bất động sản. Trong trường hợp không chấp nhận thanh toán bằng tài sản khác (hoặc không có tài sản khác để thanh toán) thì được phép thỏa thuận để kéo dài, giãn nợ.

Biện pháp thứ ba liên quan đến hoãn xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp sẽ mở đường cho dòng tiền mới đổ vào TPDN.

Nói nôm na, ba yếu tố căn bản kể trên, được kiến nghị trước đó, đã được hợp thức hóa. Các tổ chức phát hành có đủ cơ sở về mặt pháp lý để tái cấu trúc, triển khai các phương án xử lý trái phiếu đến hạn. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế khi đàm phán các phương án sẽ gặp không ít rủi ro, e ngại khác.

Chẳng hạn trường hợp hoán đổi nợ trái phiếu thành sản phẩm là bất động sản, phát sinh thêm vấn đề mới là nhiều người (trái chủ) cùng sở hữu một bất động sản, chưa kể nhiều tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, chưa đủ điều kiện bán hoặc chưa đủ điều kiện pháp lý cũng sẽ ảnh hưởng lên quyền lợi trái chủ.

Còn đối với việc mở đường cho doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu bằng cách ngừng xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa trong ngắn hạn (ít nhất trong năm nay). Bởi tâm lý nhà đầu tư lúc này theo tâm thế “một lần rắn cắn, mười năm sợ dây thừng” sau cú sốc lớn đã và đang diễn ra. Do đó, rất khó để nhà đầu tư cá nhân sẵn lòng chi tiền mua trái phiếu ở thời điểm này.

Một ngân hàng mới đây công bố kết quả chỉ huy động được hơn 20 tỷ đồng trong số dự kiến 2,560 tỷ đồng thông qua chào bán trái phiếu ra công chúng là một minh chứng cho việc nhà đầu tư không mặn mà với trái phiếu, dù lãi suất ngân hàng này đưa ra lên đến gần 11%/năm cho kỳ đầu tiên.

Còn theo báo cáo thị trường trái phiếu quý 1/2023 của VNDirect, trong quý 1, có 14 đợt phát hành TPDN trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt hơn 28,335 tỷ đồng tăng 59% so với quý 4/2022. Tuy nhiên, 11 trong số 14 đợt phát hành đó là phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 24,435 tỷ đồng, chiếm 86.2% tổng giá trị phát hành.

Bên cạnh đó, các đợt phát hành riêng lẻ lớn trong quý 1/2023 đều là của của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin về các doanh nghiệp này cũng rất hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành chỉ có thời gian thành lập chưa đến 1 năm. Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại, tỷ lệ phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân của của các lô trái phiếu mới phát hành này là rất hạn chế, người mua chủ yếu là các tổ chức.

Do đó, chúng tôi cho rằng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn” - báo cáo của VNDirect cho biết.

Trong công cuộc tháo gỡ khó khăn trên thị trường TPDN, hành lang pháp lý cùng nhiều giải pháp căn cơ đã có, nhưng để thị trường hồi phục như trước thì vẫn còn thiếu gió đông - chính là niềm tin của nhà đầu tư. Mà để khôi phục niềm tin, khó có thể một sớm một chiều. Việc này phụ thuộc vào khả năng và tốc độ hồi phục của chính doanh nghiệp để sớm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ còn nợ với nhà đầu tư.

Theo VietStock


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1