Sự kiện Thứ tư, 12/01/2022, 10:19 GMT+7
World Bank: Các nước đang phát triển gặp rủi ro từ các mối đe dọa kinh tế toàn cầu

World Bank dự báo tăng trưởng chậm lại khi thế giới đối phó với Covid, lạm phát và lãi suất cao hơn

j12 wb

Ngân hàng Thế giới cho biết, rủi ro về một cuộc hạ cánh ‘cứng’ đối với nhiều nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng khi các quốc gia phải vật lộn để đối phó với ba mối đe dọa: Covid-19, lạm phát và lãi suất cao hơn.

Trong dự báo nửa năm của mình, Ngân hàng có trụ sở tại Washington DC cho biết họ dự kiến "tăng trưởng chậm lại rõ rệt" trong hai năm tới, với các khu vực kém khá giả hơn trên thế giới sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.

David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã kêu gọi hành động để giảm nợ của các nước nghèo và cho biết ông “rất lo lắng” về vết sẹo vĩnh viễn đối với sự phát triển do đại dịch gây ra. “Kinh tế thế giới đang đồng thời đối mặt với Covid-19, lạm phát và sự không chắc chắn về chính sách, với chi tiêu của chính phủ và các chính sách tiền tệ đang mơ hồ. Bất bình đẳng gia tăng và các thách thức an ninh đặc biệt có hại cho các nước đang phát triển.”

Với việc Ngân hàng dự đoán tăng trưởng chậm lại từ 5.5% năm 2021 xuống 4.1% năm nay và 3.2% năm 2023, ông Malpass nói thêm: “Đưa nhiều quốc gia hơn vào con đường tăng trưởng thuận lợi cần có hành động quốc tế phối hợp và một loạt các phản ứng chính sách quốc gia toàn diện”.

Ngân hàng cho biết biến thể Omicron lây lan nhanh chóng cho thấy đại dịch có khả năng tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong thời gian tới, trong khi sự giảm tốc rõ rệt ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc - sẽ làm giảm xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

“Vào thời điểm chính phủ ở nhiều nền kinh tế đang phát triển thiếu không gian chính sách để hỗ trợ hoạt động nếu cần, các đợt bùng phát Covid-19 mới, tắc nghẽn chuỗi cung ứng dai dẳng và áp lực lạm phát, cũng như các lỗ hổng tài chính gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới có thể làm tăng nguy cơ cho một cuộc hạ cánh khó khăn.”

Theo ông Malpass, nhiều quốc gia đã phải đối mặt một cuộc “hạ cánh cứng” trong giáo dục. Ở các quốc gia nghèo, số trẻ em 10 tuổi không thể đọc một văn bản đơn giản đã tăng từ 53% lên 70% trong hai năm qua.

“Cần phải giảm sâu nợ. Nếu chúng ta đợi quá lâu thì sẽ là quá muộn và sẽ không thành công.”

Ngân hàng cho biết tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3.8% trong năm 2022 và 2.3% trong năm 2023 - tốc độ tăng trưởng vẫn đủ để khôi phục sản lượng và đầu tư theo xu hướng trước đại dịch. Đến cuối năm tới, tất cả các nền kinh tế tiên tiến được kỳ vọng sẽ phục hồi hoàn toàn về sản lượng.

Tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ giảm từ 6.3% năm 2021 xuống 4.6% năm 2022 và 4.4% năm 2023, khiến sản lượng thấp hơn 4% so với xu hướng trước đại dịch. Đối với các quốc gia mong manh và bị ảnh hưởng bởi xung đột, sản lượng sẽ thấp hơn 7.5% so với xu hướng trước đại dịch, trong khi ở các quốc đảo nhỏ, con số này sẽ thấp hơn 8.5%.

Ngân hàng cho biết lạm phát tăng - đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến người lao động thu nhập thấp - đang hạn chế chính sách tiền tệ. “Trên toàn cầu và ở các nền kinh tế tiên tiến, lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang rút lại chính sách hỗ trợ để kiềm chế áp lực lạm phát – rất sớm trước khi sự phục hồi đã hoàn tất. ”

Vào thời điểm tỷ lệ tiêm chủng ở các nước nghèo nhất thế giới dưới 10%, Ngân hàng Thế giới cho rằng ưu tiên trước mắt là đảm bảo vaccine được triển khai rộng rãi hơn.

Nhưng WB cho rằng cũng cần có sự hỗ trợ lâu dài để giải quyết các trở ngại trong tiến trình phát triển, chẳng hạn như bất bình đẳng gia tăng.

“Trong thời kỳ nợ nần chồng chất, hợp tác toàn cầu sẽ là yếu tố cần thiết giúp mở rộng nguồn lực tài chính của các nền kinh tế đang phát triển để họ có thể phát triển xanh, bền vững và toàn diện,” theo Mari Pangestu, Giám đốc điều hành chính sách phát triển và quan hệ đối tác của Ngân hàng.

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1