Sự kiện Thứ sáu, 03/12/2021, 10:28 GMT+7
CAPA:Các hạn chế biên giới tự phát vì biến thể omicron cho thấy các quốc gia chưa học được gì nhiều

Theo CAPA -Trung tâm Hàng không, phản ứng “tự phát” từ các quốc gia áp đặt các hạn chế biên giới vì biến thể Omicron mới cho thấy các chính phủ chưa học được nhiều về cách quản lý Covid-19 hiệu quả.

d3 aviation

Nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, Canada, Anh và Singapore tuần trước đã hạn chế đi lại từ miền nam châu Phi sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem omicron, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, là một biến thể đáng lo ngại.

Chủng mới được xác định có một lượng lớn các đột biến và những đặc điểm đáng lo ngại.

Israel và Nhật Bản đưa ra lệnh cấm đối với tất cả du khách nước ngoài.

Gần hai năm sau đại dịch, "chúng ta dường như không thực sự học được gì nhiều ", chủ tịch danh dự của CAPA, Peter Harbison, nói hôm thứ Năm.

“Có rất ít sự phối hợp giữa các chính phủ về những gì chúng ta đang làm. Lúc nào cũng chỉ là kiểu phản ứng tự phát,” ông nói, đồng thời kêu gọi một“sự đồng thuận đa phương.”

Cố vấn y tế của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci hôm thứ Tư đã bảo vệ các hạn chế đi lại của Hoa Kỳ và mô tả đó là một biện pháp tạm thời để các quan chức y tế có thêm thời gian.

WHO đã cảnh báo các quốc gia về việc áp đặt các lệnh cấm đi lại, cho rằng điều đó sẽ “làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.” Thay vào đó, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc kêu gọi một phương thức tiếp cận “dựa trên bằng chứng”, bao gồm sàng lọc nhiều hơn và có thể có các biện pháp cách ly.

Nam Phi cũng chỉ trích các hạn chế đi lại là “không hợp lý.”

Tính đến thứ Tư, 23 quốc gia trên khắp thế giới đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron Covid-19 đột biến cao.

Tương lai thảm khốc cho du lịch

Cách tiếp cận rời rạc trên diện rộng có những tác động “thảm khốc” đối với sự phục hồi toàn cầu, theo ông Harbison, thuộc cơ quan cung cấp thông tin thị trường cho ngành hàng không và du lịch.

Ông nói: “Ngành phải đối mặt với thực tế rằng điều sẽ không biến mất nhanh chóng và chúng ta sẽ có những phản ứng này mỗi khi có một chủng mới, điều rõ ràng sẽ xảy ra.”

Ngay cả trước khi xuất hiện chủng omicron, triển vọng của ngành du lịch - và hàng không nói riêng - vẫn ảm đạm.

Trong tháng Mười, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo giao thông hàng không quốc tế trong năm tới sẽ phải vật lộn để tiến gần đến các mức trước đại dịch năm 2019.

Châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Ngành hàng không của châu Á dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm 2022, chỉ đạt 11% các mức năm 2019 dựa trên ước tính tiền omicron, so với 75% ở châu Âu và 65% đối với các tuyến châu Âu-Bắc Mỹ.

Cho đến nay, châu Á vẫn chậm mở cửa và thu lại các hạn chế đi lại so với các khu vực khác trên thế giới.

Singapore luôn đi đầu trong việc khôi phục hoạt động du lịch trong khu vực, đưa ra các thỏa thuận du lịch song phương – các tuyến đi lại có tiêm chủng (VTL) - với nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có nhiều nước láng giềng gần đó.

Tuy nhiên, ông Harbison cho biết phản ứng của nước này đối với sự bùng phát biến thể omicron sẽ được theo dõi chặt chẽ.

“Nếu Singapore đi theo hướng đó và thực sự bắt đầu đóng cửa, tôi nghĩ họ sẽ gửi đi một tín hiệu rất xấu đến phần còn lại của khu vực,” ông nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc – quốc gia đóng góp nhiều nhất vào du lịch quốc tế của Châu Á - tiếp tục có tác động lớn nhất đối với sự phục hồi của khu vực này. Với rất ít dấu hiệu Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế biên giới quốc tế trong thời gian tới, tác động lên ngành có thể sẽ kéo dài.

“Trung Quốc có tác động rất lớn đến khu vực châu Á về mặt du lịch. Vì vậy, nếu họ không hành động, khu vực này sẽ bị thiệt hại,” ông Harbison nói.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1