Các chuyên gia toàn cầu đang rất lo lắng về tương lai |
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia và học giả khá bi quan về mối đe dọa Covid-19 vẫn đang gây ra ngay cả khi đại dịch bước sang năm thứ ba. Họ lo lắng phục hồi kinh tế không đồng đều có thể làm sâu sắc thêm những chia rẽ trong xã hội và giữa các quốc gia. Hơn 84% chuyên gia toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khảo sát đang lo lắng hoặc quan ngại về triển vọng thế giới, theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của diễn đàn công bố hôm thứ Ba. Chỉ 12% chuyên gia có quan điểm tích cực và chỉ 4% cho biết cảm thấy lạc quan. “Hầu hết những người được hỏi... đều dự kiến ba năm tới sẽ nổi bật với những biến động kéo dài và nhiều điều bất ngờ hoặc các quỹ đạo đứt gãy sẽ tách biệt người thắng và kẻ thua,” theo WEF. Với chỉ một nửa dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ, WEF cho rằng bất bình đẳng vaccine đang tạo ra một sự phục hồi kinh tế khác biệt "có nguy cơ gia tăng sự phân chia xã hội và căng thẳng địa chính trị từ trước." Chỉ 11% trong số gần 1,000 chuyên gia và nhà lãnh đạo trả lời cuộc khảo sát của nhóm dự kiến phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc trong ba năm tới. Cuộc khảo sát cho thấy các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ tụt hậu xa hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Hơn 40% chuyên gia và nhà lãnh đạo được WEF khảo sát đến từ giới kinh doanh, 16% đại diện cho chính phủ và 17% làm việc trong giới học thuật. Khoảng 45% sống ở châu Âu, trong khi 15% từ Bắc Mỹ và 13% sống ở châu Á. WEF cho biết: “Suy thoái kinh tế do đại dịch đang kết hợp với sự mất cân bằng thị trường lao động, chủ nghĩa bảo hộ, và khoảng cách kỹ thuật số, giáo dục và kỹ năng ngày càng mở rộng có nguy cơ chia cắt thế giới theo những quỹ đạo khác nhau.” Tháng trước WEF cho biết họ sẽ hoãn hội nghị thượng đỉnh năm 2022 ở Davos, Thụy sĩ. Nhìn xa hơn, không hành động chống khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất được các chuyên gia xác định trong thập kỷ tới, tiếp theo là thời tiết khắc nghiệt, mất đa dạng sinh học, xói mòn liên kết xã hội, khủng hoảng sinh kế và các bệnh truyền nhiễm. Các cuộc khủng hoảng nợ cũng được xếp trong top 10 rủi ro toàn cầu đe dọa nhất. "Khủng hoảng khí hậu vẫn là mối đe dọa lâu dài lớn nhất nhân loại phải đối mặt," Peter Giger, Giám đốc tập đoàn bộ phận rủi ro tại Zurich Insurance Group, đơn vị hợp tác với WEF thực hiện báo cáo, cho biết. "Không quá muộn để các chính phủ và doanh nghiệp hành động trước những rủi ro họ phải đối mặt và thúc đẩy một quá trình chuyển đổi năng lượng sáng tạo, quyết tâm và toàn diện nhằm bảo vệ các nền kinh tế và con người." Theo WEF, rủi ro cũng đang xuất hiện ngay bên trên Trái đất, theo WEF. Không gian đang ngày càng được quân sự hóa cùng lúc các nhà khai thác thương mại mới làm đảo lộn cán cân quyền lực truyền thống ở mặt trận chưa được kiểm soát này. “Hậu quả của hoạt động không gian tăng tốc là nguy cơ va chạm cao hơn có thể khiến các mảnh vỡ không gian gia tăng và tác động đến quỹ đạo lưu trữ cơ sở hạ tầng cho các hệ thống quan trọng trên Trái đất, làm hỏng các thiết bị không gian có giá trị hoặc gây ra căng thẳng quốc tế.” WEF không phải là tổ chức duy nhất cảnh báo những rủi ro lớn sắp xảy ra trong năm 2022. Eurasia Group, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị, hồi đầu tháng cho rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đang hướng nội, giảm năng lực lãnh đạo toàn cầu và ứng phó với các thách thức. Các nhà phân tích của nhóm cũng cảnh báo những rủi ro từ quản trị kỹ thuật số kém, sự hung hăng của Nga, căng thẳng gia tăng trước các tham vọng hạt nhân của Iran và quá trình chuyển đổi chậm chạp sang năng lượng sạch hơn. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|