Năng lượng tái tạo sẽ tạo ra 44% điện năng của Hoa Kỳ trong năm 2050 |
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) hôm thứ Sáu, 18/3, cho biết sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Mỹ sẽ tăng hơn gấp đôi thị phần, từ 21% hiện nay lên 44% trong năm 2050, vì việc lắp đặt năng lượng gió và mặt trời dự kiến sẽ tăng mạnh. Mặt khác, sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ giảm từ 60% năm 2021 xuống còn 44% trong năm 2050, theo ước tính của EIA trong Trường hợp tham khảo về Triển vọng Năng lượng Hàng năm 2022 (AEO2022), giả định theo các luật và quy định hiện hành. Các nguyên nhân chính khiến sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch giảm là tốc độ tăng trưởng sản xuất điện bằng khí đốt tự nhiên chậm hơn và các nhà máy phát điện chạy than ngừng hoạt động. EIA cho biết đến năm 2050, sản lượng điện từ khí đốt tự nhiên sẽ tăng lên về mặt tuyệt đối, nhưng tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong cơ cấu sản xuất điện của Hoa Kỳ sẽ giảm từ 37% năm 2021 xuống còn 34% vào năm 2050. Tỷ trọng than trong sản xuất điện được dự báo sẽ giảm từ 23% năm 2021 xuống còn 10% trong năm 2050. Vì vậy, năng lượng mặt trời và gió sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất điện từ nhiên liệu tái tạo trong ba thập kỷ tới, vì thủy điện dự kiến sẽ không thay đổi nhiều đến năm 2050, trong khi địa nhiệt và sinh khối tính chung sẽ chỉ chiếm dưới 3% tổng sản lượng điện của Hoa Kỳ. Năng lượng tái tạo đã chiếm phần lớn công suất điện mới sắp được đưa lên mạng ở Hoa Kỳ. Năm nay, Hoa Kỳ sẽ đưa thêm 46.1 gigawatt (GW) công suất phát điện mới vào lưới điện. Gần một nửa — 46% — trong tổng số công suất bổ sung theo kế hoạch năm 2022 sẽ là điện mặt trời, tiếp theo là khí đốt tự nhiên ở mức 21% và năng lượng gió 17%. EIA cho biết hơn một nửa — 51% — trong tổng số công suất năng lượng gió bổ sung năm 2022 dự kiến sẽ được đặt ở Texas. Khánh Lâm lược dịch
Theo OilPrice
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|