Sự kiện Thứ sáu, 01/04/2022, 09:06 GMT+7
Nước Đức đưa ra 'cảnh báo sớm' về khả năng thiếu khí đốt khi Nga đe dọa nguồn cung

Hôm thứ Tư, 30/3, nước Đức đã đưa ra "cảnh báo sớm" về khả năng thiếu khí đốt tự nhiên do tranh chấp thanh toán với Nga có thể dẫn đến việc phải phân phối năng lượng theo định mức ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

a1 ger

Tuần trước, Moscow cho biết họ muốn được thanh toán bằng đồng ruble, thay vì dollar Mỹ hoặc euro theo các hợp đồng cung cấp khí đốt hiện có, và đe dọa sẽ cắt nguồn cung nếu điều này không được thực hiện. Yêu cầu của Điện Kremlin đã bị Đức và nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu G7 từ chối.

Chính phủ Đức cho biết nước này hiện đã có đủ khí đốt, nhưng họ kêu gọi tất cả người tiêu dùng - từ các công ty đến bệnh viện và hộ gia đình - giảm sử dụng càng nhiều càng tốt ngay tức thì.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết trong một tuyên bố: “Hiện không có thiếu hụt nguồn cung nào. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hơn nữa để chuẩn bị cho bất kỳ sự leo thang nào của Nga." Ông cho biết thêm, dự trữ khí đốt của Đức hiện đã được lấp đầy 25% công suất.

"Cảnh báo sớm" là mức cảnh báo đầu tiên trong ba mức cảnh báo được đưa ra trong kế hoạch quản lý nguồn cung khí đốt của Đức trong tình trạng khủng hoảng. Nếu tình hình xấu đi, chính phủ sẽ tuyên bố "báo động", sau đó là "tình trạng khẩn cấp." Ở trạng thái cảnh báo cao nhất đó, các cơ quan quản lý có thể phân bổ khí đốt theo định mức để duy trì nguồn cung cho các "khách hàng được bảo vệ" như hộ gia đình và bệnh viện. Các bên sử dụng khí đốt công nghiệp sẽ là những người đầu tiên đối mặt với việc cắt giảm.

“Điều này có nghĩa sản xuất công nghiệp sẽ ra đi, chuỗi cung ứng sẽ ra đi. Chúng ta chắc chắn sẽ nói về những thiệt hại rất nặng nề," theo Leonhard Birnbaum, giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Đức E.ON.

Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường năng lượng Đức, cho biết cảnh báo hôm thứ Tư là nhằm tránh suy giảm nguồn cung khí đốt nhưng cũng nói rằng người tiêu dùng nên chuẩn bị cho "tất cả các tình huống."

Habeck cho biết một nhóm chuyên gia từ chính phủ, cơ quan quản lý, nhà khai thác mạng lưới khí đốt và 16 bang liên bang của Đức đã được triệu tập để giám sát chặt chẽ tình hình và thực hiện các biện pháp "tăng cường an ninh nguồn cung" nếu cần thiết.

Liên minh châu Âu phụ thuộc khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên vào Nga và Đức là khách hàng năng lượng lớn nhất của Moscow trên châu lục này. Các biện pháp trừng phạt của EU áp đặt lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine bao gồm lệnh cấm đầu tư mới vào các dự án năng lượng nhưng không nhắm vào xuất khẩu dầu và khí đốt.

Tuần này, ông Habeck cho biết Berlin không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble và ông mô tả yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "hành vi tống tiền."

Ông Putin đã giao ngân hàng trung ương Nga và Gazprom, công ty khí đốt nhà nước, đến thứ Năm để đưa ra các đề xuất chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble, thay vì dollar Mỹ hoặc euro như đã thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp.

Với việc ngân hàng trung ương Nga bị cấm hoán đổi euro và dollar sang đồng ruble, Moscow đang cố gắng tìm một dòng tiền mặt mới họ có thể chi tiêu dễ dàng.

Theo ông Habeck, Putin có thể "tài trợ trực tiếp cho chiến tranh, quân đội, cung cấp cho binh lính, cung cấp xăng cho xe tăng và chế tạo vũ khí ở nước mình" bằng đồng ruble.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có một cuộc điện đàm với ông Putin hôm thứ Tư, khi nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh Berlin chỉ thanh toán cho năng lượng của Nga bằng đồng euro hay dollar Mỹ, theo một bản tin của Đức về cuộc gọi.

Putin nói với ông Scholz rằng ông sẽ ban hành luật theo đó các khoản thanh toán cho nguồn cung năng lượng của Nga sẽ phải được thực hiện bằng đồng ruble, nhưng điều đó không áp dụng cho các đối tác châu Âu và các khoản thanh toán sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro và được chuyển đến Ngân hàng Gazprom, không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt, và sau đó được chuyển thành đồng ruble.

"Thủ tướng Scholz đã không đồng ý với thủ tục này trong cuộc trò chuyện, nhưng yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản để hiểu rõ hơn về thủ tục này," bản tin cho biết.

Rủi ro suy thoái gia tăng

Liên minh châu Âu đang có kế hoạch giảm tới 66% tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay khi họ chuẩn bị cho một cuộc chia tay hoàn toàn với nhà cung cấp năng lượng lớn của mình. Nhưng châu Âu sẽ phải vật lộn để tồn tại mà không có khí đốt của Nga, và tìm kiếm các nguồn thay thế là một thách thức lớn về hậu cần. Chắc chắn sẽ xảy ra suy thoái nếu Putin cắt nguồn cung.

Các cố vấn kinh tế hàng đầu của Đức hôm thứ Tư đã giảm dự báo tăng trưởng GDP năm nay từ 4.6% xuống 1.8% trong tháng 12, do các yếu tố lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng vì chiến tranh ở Ukraine.

"Sự phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga dẫn đến rủi ro sản lượng kinh tế thấp hơn và thậm chí là suy thoái với tỷ lệ lạm phát cao hơn đáng kể," Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho biết trong một tuyên bố. "Đức nên ngay lập tức làm mọi thứ có thể để đề phòng Nga ngừng cung cấp năng lượng và nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng Nga."

Áo hôm thứ Tư cũng đưa ra "cảnh báo sớm" về khả năng thiếu khí đốt tự nhiên sau cuộc họp của chính phủ thảo luận về cuộc khủng hoảng.

"Chúng tôi đang theo dõi tình hình thị trường khí đốt chặt chẽ hơn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tiếp tục đảm bảo nguồn cung cho các hộ gia đình," Bộ trưởng Khí hậu Áo Leonore Gewessler cho biết.

Hà Lan - một trong những khách hàng năng lượng lớn khác của Nga ở châu Âu - cho biết họ sẽ yêu cầu công chúng sử dụng ít khí đốt tự nhiên hơn để giảm sự phụ thuộc vào Moscow.

Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan sẽ không kích hoạt kế hoạch xử lý khủng hoảng khí đốt của mình, người phát ngôn Bộ Kinh tế Tim van Dijk nói. Thay vào đó, họ hy vọng sẽ giảm sử dụng khí đốt thông qua một chiến dịch kêu gọi người dân của mình.

Ông Van Dijk cho biết thêm, chiến dịch đã được tiến hành trong nhiều tuần do chiến tranh ở Ukraine và không triển khai theo thông báo của Đức.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1