Sự kiện Thứ năm, 10/03/2022, 08:21 GMT+7
Phương Tây bủa vây cứu cánh cuối cùng của Nga

Hoa Kỳ và châu Âu đã giáng các đòn trừng phạt chưa từng có vào Nga trong nhiều tuần qua khi quân đội của Vladimir Putin tiến đánh Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây đã hầu như không động đến mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga: năng lượng.

m10 usban f

Cho đến bây giờ.

Các quan chức Liên minh châu Âu hôm thứ Ba, 8/3, cho biết khối này sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga trong năm nay và EU đã công bố kế hoạch nhằm không còn phụ thuộc năng lượng vào Moscow "trước năm 2030." Điều này sẽ tách châu Âu ra khỏi nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của mình.

Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga vào Hoa Kỳ. Và chính phủ Anh cho biết họ sẽ loại dần dầu nhập khẩu Nga đến cuối năm 2022 cũng như tìm cách chấm dứt nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

Lệnh cấm của Mỹ phần lớn chỉ mang tính biểu tượng. Hoa Kỳ phụ thuộc rất ít vào năng lượng Nga: Dầu thô của Nga chiếm chưa đến 2% tổng lượng dầu nhập khẩu của Hoa Kỳ trong tháng 12, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ. Nhìn chung, dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga chiếm khoảng 5% nhập khẩu của Mỹ vào cuối năm 2021. Tương tự, Nga chỉ cung cấp 8% nhu cầu dầu của Anh, theo Bộ trưởng Năng lượng và Kinh doanh Anh, ông Kwasi Kwarteng.

Ngược lại, Liên minh châu Âu về cơ bản phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên và 27% lượng dầu nhập khẩu của châu Âu đến từ Nga. Và Nga cung cấp cho châu Âu 46% lượng than đá.

Hoa Kỳ nhập khẩu bao nhiêu dầu thô từ Nga?
Nga đứng thứ 9 trong số 10 quốc gia hàng đầu nhập khẩu dầu thô vào Hoa Kỳ. Tháng 12/2021, Mỹ nhập khẩu 90,000 thùng/ngày từ Nga
m10 russ f
Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ

Đó là lý do tại sao châu Âu rất do dự trước các hành động chống lại lĩnh vực năng lượng của Nga. Tuy nhiên, khi cuộc chiến với Ukraine tiếp tục gây chấn động thế giới, các nước phương Tây đang dần hết lựa chọn để gây thêm áp lực lên Nga.

Cứu cánh cuối cùng của Nga

Các biện pháp trừng phạt hiện tại đã tạo ra một kiểu lệnh cấm vô hình đối với dầu Nga. Các bên giao dịch ngày càng lo ngại về khả năng tiếp cận nguồn tài chính để mua dầu Nga cũng như các cảng sẵn sàng vận chuyển loại dầu này. Dầu Urals gần đây giao dịch ở mức chiết khấu khoảng $25 so với dầu thô Brent, dầu chuẩn toàn cầu. Theo JPMorgan, khoảng 70% dầu vận chuyển đường biển của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm người mua.

Tuy nhiên, khí đốt vẫn tiếp tục chảy sang châu Âu, và  chỉ cần đủ lượng dầu thô và khí đốt của Nga tìm được người mua sẽ tạo ra sự khác biệt cho nền kinh tế Nga. Theo Charles Lichfield, Phó giám đốc Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu quốc tế, Nga đang mang về từ 500 đến 1 tỷ USD mỗi ngày từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt ngay trong cuộc chiến.

Hạn chế xuất khẩu năng lượng sẽ hạn chế nghiêm trọng các lựa chọn của Nga để giữ cho nền kinh tế tồn tại. Ngân hàng trung ương của Nga đã bị trừng phạt, hạn chế quyền tiếp cận của chính phủ đối với lượng dự trữ tiền mặt nhằm giúp Nga không phụ thuộc vào phương Tây. Các doanh nghiệp đang rút lui hoặc tạm ngừng hoạt động tại Nga và tránh xa các mặt hàng xuất khẩu của Nga.

Ông Lichfield nói: “Năng lượng là cứu cánh cuối cùng của Nga. Các lệnh trừng phạt lên dầu khí sẽ khiến Nga rơi vào tình thế dễ bị tổn thương hơn nhiều."

Nền kinh tế Nga không đa dạng lắm. Nước này chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng và nhiều ngành công nghiệp chủ chốt khác, trong đó có kim loại và các nguyên liệu thô khác, đã bị trừng phạt hoặc bị xa lánh.

Bất chấp các lệnh trừng phạt này, ngân hàng trung ương Nga cho đến nay vẫn có thể đáp ứng được nhiều nghĩa vụ nợ của mình. Thu hẹp thị trường dầu khí có thể buộc Nga phải kiềm chế chi tiêu. Ví dụ, lương và lương hưu của chính phủ có thể không được trả đúng hạn.

Theo ông Lichfield: “Nước Nga đã tìm được các cách khắc phục nhanh chóng. Nhưng chúng sẽ không còn nữa nếu năng lượng của nước này bị hạn chế."

Nga làm gì tiếp theo

Một lý do khiến châu Âu nỗ lực hành động nhanh chóng để độc lập năng lượng: Họ lo sợ Vladimir Putin có thể biến năng lượng thành vũ khí, cắt nguồn cung khí đốt trước khi châu Âu sẵn sàng hành động.

Nga đã đe dọa giáng đòn này vào châu Âu: Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak trong một tuyên bố trên truyền hình nhà nước hôm thứ Ba cho biết Nga có thể trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu bằng cách chặn quyền tiếp cận của Đức với Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga cung cấp cho nước này.

Ông Novak cho biết Nga hoàn toàn có quyền trả đũa Liên minh châu Âu sau khi Đức đóng băng chứng nhận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vào tháng trước.

"Nếu các ông muốn từ chối nguồn cung năng lượng từ Nga, cứ việc. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó," ông Novak nói. "Chúng tôi biết nơi chúng tôi có thể chuyển hướng nguồn năng lượng."

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1