Tài chính Thứ tư, 20/09/2023, 09:21 GMT+7
Vì sao Trung Đông đang nổi lên như "máy ATM" toàn cầu?

Những hoàng gia tại Trung Đông đang muốn gây ra ảnh hưởng với giới tài chính toàn cầu, khi đã trở nên quá giàu có với lượng tiền dồi dào thu về nhờ khoảng thời gian giá năng lượng tăng nóng.

s20 middleeast

Năm năm trước, các quan chức Saudi Arabia đã chứng kiến làn sóng một loạt các nhà đầu tư tài chính Mỹ rút tiền ra khỏi Saudi Arabia sau một diễn biến chính trị gây sốc. Tuy nhiên, năm năm sau, mọi chuyện giờ đây đã khác rất nhiều.

Hội thảo kêu gọi đầu tư có tên “Davos trong sa mạc” năm nay thu hút nhu cầu cao đến nỗi mà những ai quan tâm phải đóng phí tham dự đến 15.000USD/người.

Những hoàng gia tại Trung Đông đang muốn gây ra ảnh hưởng trên thế giới tài chính toàn cầu. Các hoàng gia này đã trở nên quá giàu có với lượng tiền dồi dào thu về sau khoảng thời gian giá năng lượng tăng nóng.

Cùng lúc đó, những thành viên thị trường đầu tư và tài chính phương Tây chật vật khi lãi suất tăng cao, vì vậy họ cũng ngại thực hiện các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp hoặc đầu tư cá nhân.

Các quỹ thịnh vượng trong khu vực Trung Đông đã trở thành “máy ATM” cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc quỹ bất động sản chật vật trong việc huy động tiền từ những nơi khác.

Thị trường của các thương vụ sáp nhập và thâu tóm doanh nghiệp trên thế giới thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đến từ khu vực này. Nổi bật nhất phải kể đến thương vụ một quỹ của Abu Dhabi chi ra hơn 2 tỷ USD mua quỹ đầu tư Fortress và quỹ của hoàng gia Saudi Arabia mua bộ phận hàng không toàn cầu của ngân hàng Standard Chartered.

Các doanh nghiệp và quỹ thuộc giám sát của tư vấn an ninh quốc gia Abu Dhabi, ông Sheikh Tahnoun bin Zayed Al Nahyan, trong thời gian gần đây đã nỗ lực thâu tóm ngân hàng Standard Chartered và Lazard. Đồng thời, họ cũng ký kết những thỏa thuận để mua lại công ty dịch vụ y tế Anh với giá 1,2 tỷ USD, ngoài ra chi 6 tỷ USD để nắm một phần kiểm soát tại công ty thực phẩm Colombia.

“Giờ đây, ai cũng muốn đến Trung Đông, mọi chuyện đang diễn ra cũng giống như cuộc đào vàng trước đây tại Mỹ”, nhà sáng lập công ty gọi vốn Jade Advisors – ông Peter Jädersten phân tích.

Các chuyên gia quản lý quỹ đến thăm khu vực này cho biết họ thường phải ngồi chờ khá lâu trong những căn phòng đông chật khách. Những chuyên gia quản lý quỹ đến từ thung lũng Silicon và New York giờ đây đã trở thành khách quen tại khách sạn hạng sang Four Seasons ở Abu Dhabi và nhiều khách sạn khác trong khu vực.

Trong hội thảo tại Riyadh vào tháng tới, một dự án của thái tử Saudi Arabia Bin Salman được biết đến với cái tên Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) được kỳ vọng sẽ là nam châm hút những người đang cần vốn. Năm 2018, các chuyên gia và nhà đầu tư phố Wall từng rời khỏi vùng Vịnh sau diễn biến chính trị bất thường tại Saudi Arabia. Nhiều quỹ và doanh nghiệp khởi nghiệp phương Tây cho biết họ không nhận đầu tư từ Saudi Arabia bởi lo lắng về rủi ro đạo đức.

Từ năm ngoái, khi cung tiền trên thế giới bị thắt chặt do loạt biện pháp siết chính sách tiền tệ, nguồn vốn từ Saudi Arabia lại càng trở nên quan trọng hơn. Trong hội nghị đầu tư của năm ngoái, người ta nhìn thấy giám đốc quỹ PIF ngồi chung với nhà điều hành của hai quỹ đầu tư lớn nhất thế giới là Blackstone và Bridgewater Associates. Ngoài ra, trong những người tham dự không thiếu những tên tuổi hàng đầu trong mảng gọi vốn mạo hiểm.

Trong hội thảo vào mùa xuân năm nay, chuyên gia tại quỹ Andreessen Horowitz – ông Ben Horowitz khẳng định Saudi Arabia là quốc gia khởi nghiệp, và thái tử Mohammed là nhà sáng lập, người tạo ra văn hóa và tầm nhìn mới cho đất nước.

Theo nhà điều hành các quỹ TPG, KKR và Carlyle nói với nhà đầu tư, sự quan tâm từ Trung Đông với các quỹ vẫn ở ngưỡng cao trong khi các khu vực khác không được như vậy.

Khi mà các quỹ từ Trung Đông đang quan tâm nhiều hơn đến đầu tư, lực lượng ủng hộ truyền thống cho các hoạt động này trước đây như quỹ hưu trí hiện đang giảm bớt sự quan tâm. Việc thế giới chuyển sang thời kỳ lãi suất cao không khỏi khiến cho danh mục đầu tư của những quỹ này thua lỗ nặng.

Nửa đầu năm 2023, nhà đầu tư rót ước tính khoảng 33 tỷ USD vào các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ, con số chỉ bằng nửa so với mức 74 tỷ USD cùng kỳ năm 2021, theo tính toán của PitchBook. Hoạt động gọi vốn toàn cầu của quỹ tư nhân giảm 10% trong năm ngoái xuống 1,5 nghìn tỷ USD, tính toán của Preqin cho hay.

Có hai lý giải cho việc nhà đầu tư từ vùng Vịnh đang tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đầu tư vốn hoặc thâu tóm & sáp nhập doanh nghiệp.

Thứ nhất, giá dầu cao do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang đã giúp các quỹ thịnh vượng của khu vực này có thêm rất nhiều tiền. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa nếu giá dầu giảm, dòng tiền đầu tư từ các nước vùng Vịnh sẽ sụt nhanh chóng, điều này từng xảy ra trong những thời kỳ bùng nổ và suy giảm của giá năng lượng trước đây.

Cùng lúc đó, Thái tử Mohammed và những quan chức hàng đầu U.A.E đang tham gia nhiều hơn vào các hoạt động địa chính trị, tài chính, thể thao, họ bơm bổ sung thêm vốn vào các quỹ thịnh vượng để thực hiện các thương vụ cũng như mở rộng các ngành nghề tại nội địa.

Theo BizLive


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1