Bình Dương đặt mục tiêu trở thành đầu tàu về logistics |
Với tiềm lực là thủ phủ sản xuất công nghiệp lớn, đóng góp xấp xỉ 10% giá trị kịm ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, Bình Dương đang tính toán để trở thành địa phương đầu tàu về logistics của khu vực. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 4.255 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn là 40,5 tỷ USD và 67.299 doanh nghiệp có vốn trong nước với tổng vốn 741 nghìn tỷ đồng. Theo PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, Chủ tịch Viện Nghiên cứu logistics Việt Nam, Bình Dương sẵn có nền tảng hạ tầng và khu công nghiệp sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nên đủ sức để trở thành trung tâm logistics cho cả vùng. Cùng với đó, Bình Dương đang chú trọng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đây là cơ sở quan trọng đưa tỉnh trở thành đầu mối logistics quan trọng của cả khu vực. Tuy nhiên, Chủ tịch Viện Nghiên cứu logistics Việt Nam cho hay, chỉ số hệ thống logistics ở nước tai dù đã cải thiện, đứng thứ hạng cao so với các nước, nhưng vấn đề về thời gian luân chuyển hàng hóa còn chậm. Việc truy xuất hàng hóa, giao nhận hàng còn tồn tại nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ logistics còn khiêm tốn; việc nâng cao chất lượng trên nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, kết nối thành chuỗi logistics liên hoàn chưa theo kịp xu thế. Về nguồn nhân lực của ngành còn mới, chưa đào tạo đủ tầm, đủ số lượng đáp ứng yêu cầu. Do đó, cần thúc đẩy doanh nghiệp nâng tầm quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả và chuyên nghiệp nhằm bắt nhịp kịp chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm thương mại thế giới Bình Dương, tính đa dạng hóa các loại hình logistics, cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ công nghiệp đến giao thông - vận tải ở Bình Dương đang hình thành được một chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng, với nhiều trung tâm logistics quy mô lớn. Cùng với đó, Bình Dương có cảng sông, kho hàng và các cơ sở phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa được quy hoạch cơ bản. Điều này cho thấy, tiềm năng lớn của ngành này tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, Bình Dương là một trong những tỉnh thành hàng đầu về phát triển kinh tế và đô thị hóa tại Việt Nam. Với vị trí địa lý chiến lược nằm ở cửa ngõ phía Nam của Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương có nhiều tiềm năng và thế mạnh đặc biệt. Đến nay, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm: 15 trung tâm logistics quy mô lớn; trong đó, có 3 cảng cạn (ICD) và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS đang hoạt động phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu. “Với lợi thế về vị trí chiến lược, có thế mạnh về phát triển công nghiệp cùng với kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, khu - cụm công nghiệp được quy hoạch phát triển đồng bộ, Bình Dương hoàn toàn có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển, trở thành trung tâm dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp và khoa học – công nghệ của Vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam. Trong số đó, ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong tương lai”, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương chia sẻ thêm. Mới đây, trong cuộc làm việc với Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu tại Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã kiến nghị đề xuất Chính phủ về quy hoạch, đầu tư ga liên vận quốc tế Sóng Thần tại thành phố Dĩ An (Bình Dương) là ga hàng hóa đầu mối lớn nhất phía Nam, kết nối với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ. Theo UBND tỉnh Bình Dương, ga liên vận quốc tế Sóng Thần có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ. Bình Dương định hướng tăng quy mô quy hoạch ga này từ 64,6ha lên khoảng 200 ha, từ quỹ đất công do thu hồi đất hết thời hạn cho thuê của Khu công nghiệp Sóng Thần. Định hướng này đã được cập nhật vào quy hoạch các tuyến, ga đường sắt kết nối trong khu vực; dự kiến quy hoạch đầy đủ các tính năng để kết nối vùng. Vậy nên, phía UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành trung ương ủng hộ để tỉnh kịp thời cập nhật bổ sung vào quy hoạch tỉnh và triển khai dự án trong thời gian tới. Ngay trong sáng ngày 16/4, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng các cơ quan, ban, ngành đã đến khảo sát, làm việc tại ga Sóng Thần liên quan đến chủ trương quy hoạch ga liên vận quốc tế Sóng Thần. Theo tính toán, để tổ chức hoạt động liên vận quốc tế, ga liên vận Sóng Thần cần có kho bãi ngoại quan diện tích hơn10.000 m2, trong khi diện tích hiện nay chỉ khoảng 8.500 m2. Về phía diện Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị tỉnh Bình Dương sắp xếp, bố trí quỹ đất sạch liền kề để đầu tư mở rộng ga liên vận quốc tế. Lãnh đạo ga Sóng Thần thông tin, đơn vị đang chuẩn bị thi công các hạng mục thuộc dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần theo kế hoạch ngành đường sắt. Dự kiến, sau khi hoàn thành, ga Sóng Thần sẽ đạt năng lực khai thác đến 3,5 triệu tấn hàng hóa/năm giai đoạn 2025 – 2030 và trở thành đầu mối logistics lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam. Theo CafeF Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|