Tài chính Thứ ba, 02/04/2024, 12:14 GMT+7
World Bank: Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và bất định chính sách kìm hãm tăng trưởng kinh tế

Trong khi thương mại toàn cầu phục hồi và điều kiện tài chính nới lỏng sẽ hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và chính sách không chắc chắn sẽ kìm hãm tăng trưởng.

a02 world-bank1

Các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới nhưng chậm hơn so với trước đại dịch, theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực bán thường niên của Ngân hàng Thế giới được công bố ngày hôm nay (ngày 1/4).

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4/2024 của Ngân hàng Thế giới cho biết, tăng trưởng khu vực dự kiến sẽ giảm xuống 4,5% trong năm 2024 từ mức 5,1% của năm ngoái. Tăng trưởng ở các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc) dự kiến sẽ tăng lên 4,6% trong năm nay, so với mức 4,4% của năm 2023.

Tăng trưởng ở Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống 4,5% từ mức 5,2% của năm 2023, do nợ cao, bất động sản yếu và căng thẳng thương mại ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống 3,6% trong năm 2024 từ mức 5,6% của năm ngoái do sự phục hồi sau đại dịch giảm dần. Sự chậm lại một phần phản ánh việc bình thường hóa tăng trưởng ở Fiji xuống 3,5% trong năm 2024 so với mức tăng trưởng đặc biệt mạnh 8% của năm ngoái.

“Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế thế giới, ngay cả khi phải đối mặt với môi trường toàn cầu đầy thách thức và không chắc chắn hơn, dân số già hóa và những tác động của biến đổi khí hậu,” bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết. “Các quốc gia trong khu vực có thể duy trì đà tăng trưởng bằng cách đẩy nhanh việc mở cửa nhiều hoạt động hơn cho đầu tư tư nhân, giải quyết các thách thức của lĩnh vực tài chính và thúc đẩy năng suất.”

Báo cáo cũng nêu ra các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm sự suy thoái lớn hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu, lãi suất cao và kéo dài hơn ở các nền kinh tế lớn, sự không chắc chắn về các chính sách kinh tế gia tăng trên toàn thế giới và leo thang căng thẳng địa chính trị.

Chuyên đề đặc biệt của báo cáo đưa ra bằng chứng cho thấy tăng năng suất của các công ty hàng đầu trong khu vực đã chậm lại so với các công ty hàng đầu toàn cầu. Khoảng cách này đặc biệt lớn trong các ngành thâm dụng kỹ thuật số. Do các công nghệ mới thường được các công ty hàng đầu áp dụng trước và sau đó lan sang các doanh nghiệp khác, xu hướng này gây lo ngại cho toàn bộ các doanh nghiệp.

Những trở ngại lên cạnh tranh, kỹ năng lao động không đồng đều và quản lý yếu kém góp phần làm cho tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp chậm lại. Mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ cho cạnh tranh gay gắt hơn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – thông qua đầu tư cho giáo viên và giáo dục đại học – có thể giúp tăng năng suất.

“Trong khi tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã vượt qua hầu hết các nền kinh tế đang phát triển khác trong những thập kỷ gần đây, điều này được thúc đẩy bởi đầu tư hơn là tăng năng suất,” ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế Trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết. “Các hành động chính sách táo bạo nhằm thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách giáo dục có thể hồi sinh nền kinh tế của khu vực.”

Theo BizLive


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1