Căng thẳng logistics tạo lợi thế để rau quả Việt Nam tăng xuất khẩu sang Trung Quốc |
Bất ổn ở biển Đỏ và nước kênh đào Panama cạn kiệt khiến thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Âu, Bắc Mỹ sang Trung Quốc kéo dài và chi phí tăng cao, buộc doanh nghiệp Trung Quốc tăng mua hàng từ các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, tạo điều kiện để rau quả Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu ở thị trường tỷ dân.2 tháng đầu năm ngành rau quả xuất siêu 454,706 triệu USD Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 2/2024 ước đạt 287,492 triệu USD, giảm 41,5 % với tháng trước và giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 777,740 triệu USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu rau quả trong tháng 02/2024 ước đạt 106,439 triệu USD, giảm 51,2 % so với tháng trước và giảm 4,6 % so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 323,034 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả giữa xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy trong tháng 2/2024 ngành rau quả xuất siêu 172,053 triệu USD. Cộng dồn 2 tháng, rau quả xuất siêu 454,706 triệu USD. Nhận định về kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm và dự báo hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruite cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng Hai đạt thấp hơn so với tháng Giêng vì tháng 2 rơi vào nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày, và sau Tết mức độ tiêu thụ rau quả ở thị trường Trung Quốc chậm lại, không nhộn nhịp như trước Tết, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu trong tháng Hai giảm so với tháng Giêng, nhưng cộng dồn hai tháng đạt gần 800 triệu USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Vào tháng Ba ở đồng bằng sông Cửu Long chưa vụ thu hoạch sầu riêng, chỉ có sầu riêng nghịch vụ nhưng Vinafruite vẫn đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu trong tháng này sẽ tăng trở lại, và xuất khẩu rau quả trong quý I chắc chắn sẽ đạt hơn 1 tỷ USD, và xuất khẩu rau quả trong năm nay vẫn sẽ tăng trưởng và đạt kỷ lục mới. Khủng hoảng biển Đỏ và kênh đào Panama tạo điều kiện để Việt Nam tăng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc Theo ông Nguyên, năm nay có 2 yếu tố để lạc quan dự đoán kim ngạch xuất khẩu rau quả có khả năng tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Thứ nhất, những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh và chủ lực như sầu riêng dự kiến sản lượng sẽ tăng thêm khoảng 20% so với năm ngoái, do người nông dân trồng gối đầu. Thứ hai, khủng hoảng biển Đỏ và tình trạng kênh đào Panama bị cạn kiệt đã gây khó khăn cho các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ khi xuất hàng về châu Á vì phải đi đường vòng. Ví dụ, Ai Cập muốn xuất bán trái cây cho Trung Quốc phải đi vòng, còn các nước khác muốn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc phải đi qua kênh đào Panama vào Thái Bình Dương rồi mới đến Trung Quốc, nhưng kênh đào Panama bị khô cạn nên không thể di chuyển. Nếu không, phải đưa tàu đi vòng hàng ngàn km, quanh mũi phía Nam của châu Phi và Nam Mỹ. “Bất ổn ở biển Đỏ và tình trạng cạn kiệt nước ở kênh đào Panama đã làm tăng số ngày vận chuyển từ 15 đến 18 ngày, đẩy chi phí logistics tăng cao nhưng chất lượng hàng hóa khó bảo đảm, nên hàng hóa nhập khẩu về Trung Quốc có khó khăn về giá cả và chất lượng”, Tổng thư ký Vinafruite nói. Để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng nội địa các doanh nghiệp Trung Quốc có khuynh hướng nhập khẩu hàng hóa từ các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, vì thời gian vận chuyển nhanh chất lượng hàng hóa vẫn tốt đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng mà chi phí logistics cũng thấp. Từ đó tạo điều kiện cho ngành rau quả của Việt Nam tăng trưởng. Cụ thể, do vấn đề logistics mà thời gian vừa qua chuối Ecuador khó xuất khẩu vào Trung Quốc nên chuối của Việt Nam và Campuchia đã nhanh chân lấp vào khoảng trống này. Mặt khác, hạ tầng giao thông và logistics của Việt Nam ngày càng được cải tiến tốt hơn, có nhiều tuyến đường cao tốc bắt đầu đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và chi phí rẻ hơn. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm như: Sầu riêng nghịch vụ, thanh long, xoài, mít, chuối và nhãn các loại trái cây tươi này khi đến Trung Quốc vẫn tươi mới và đảm bảo chất lượng. Nhận định về tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả, ông Nguyên cho rằng, bất cứ ngành hàng nào khi đã đạt đỉnh tăng trưởng cũng sẽ dừng lại, nhưng với ngành hàng rau quả thì hiện nay dư địa nhiều để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vì chưa đạt được mức tối đa, và kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ tăng cao hơn năm ngoái. “Đương nhiên đến một thời kỳ nào đó kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đứng lại không tăng trưởng nữa nhưng ngày đó vẫn còn xa. Chỉ mới 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, như vậy khả năng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 6,5 tỷ USD là trong tầm tay”, ông Nguyên nói. Theo BizLive Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|