Sự kiện Thứ ba, 30/11/2021, 10:47 GMT+7
Biến thể Omicron hé lộ mối nguy hiểm thực sự của 'phân biệt chủng tộc vaccine' trên toàn cầu

Chia sẻ vaccine với các nước nghèo hơn là điều đúng đắn và là việc làm vì lợi ích của chính bản thân. Phương Tây cần ngừng quá thiển cận.

n30 vaccine

Khẩu trang bắt buộc đã trở lại Anh. Sự sợ hãi đã quay trở lại. Sau nhiều tháng cho rằng đại dịch Covid-19 đã kết thúc, chính phủ Vương quốc Anh lại áp đặt các hạn chế mới trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron mới của virus corona.

Thị trường tài chính không chờ thông báo từ Phố Downing. Còn quá sớm để biết mối đe dọa mới từ chủng virus mới này lớn đến đâu nhưng các nhà đầu tư đã tính đến điều tồi tệ nhất ngay sau khi có báo cáo từ miền nam châu Phi. Giá cổ phiếu giảm mạnh, cổ phiếu hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nhất khi lệnh cấm du lịch được áp dụng trở lại.

Tăng cường các hạn chế ở phương Tây để đối phó với biến thể Omicron là điển hình của việc mất bò mới lo làm chuồng, vì trong nhiều tháng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo các nước phát triển giàu có rằng để chấm dứt đại dịch đòi hỏi người nghèo cũng như người giàu phải được tiêm chủng.

Gordon Brown đã yêu cầu G7 và G20 hành động từ đầu năm, chỉ ra rằng phương Tây đã đang trữ những liều vaccine họ sẽ không bao giờ sử dụng trong khi người dân ở châu Phi không được tiêm chủng. Những lời cảnh báo của cựu thủ tướng đã không được lắng nghe.

Tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nỗ lực bảo đảm miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ để các quốc gia như Nam Phi có thể sản xuất các sản phẩm của riêng mình được Mỹ ủng hộ nhưng EU, Anh và Thụy Sĩ phản đối.

Một số nước giàu lập luận nếu không được bảo hộ bằng sáng chế, các công ty dược phẩm sẽ không có động cơ để sản xuất vaccine mới và dù gì đi nữa, các nước nghèo cũng thiếu chuyên môn kỹ thuật sản xuất để biến các công thức thành sản phẩm hoàn chỉnh. Cả IMF và Mỹ đều không bị thuyết phục bởi lập luận này và các nước đang phát triển sẽ bày tỏ sự tức giận của họ đối với "nạn phân biệt chủng tộc vaccine" tại cuộc họp cấp bộ trưởng của WTO trong tuần này ở Geneva.

Dù kết quả của vấn đề sở hữu trí tuệ như thế nào, rõ ràng chủ nghĩa đa phương đã thất bại trong thử thách này. Nếu có lúc nào dành cho sự đoàn kết quốc tế thì chính là này, nhưng phương Tây hứa hẹn thì nhiều mà làm thì quá ít.

Chắc chắn, những quốc gia giàu có ở châu Âu và Bắc Mỹ đã tiêu tốn rất nhiều để chống Covid-19 và muốn giảm thâm hụt ngân sách, nhưng dè sẻn vaccine cho các nước đang phát triển luôn là sự dè sẻn sai lầm.

Các nước giàu có thể tạo điều kiện cho các nước nghèo tăng tỷ lệ tiêm chủng hoặc phải tách mình ra khỏi những khu vực chưa được tiêm chủng trên thế giới. Thực tế, các ca nhiễm Omicron đầu tiên được ghi nhận ở Anh cho thấy khả năng thứ hai khó thực hiện như thế nào.

Dù nhiệm vụ đầu tiên của bất kỳ chính phủ nào là đảm bảo sự an toàn cho chính người dân của mình, đôi khi điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách hành động tập thể và đây là một trong số đó. Một số vấn đề mang tính toàn cầu.

Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chưa đến 10% trong số 54 quốc gia ở châu Phi có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số đến cuối năm 2021. Các biến thể khác có thể sẽ tiếp tục xuất hiện.

Lập luận ủng hộ việc tặng thêm vaccine hoặc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vẫn không đổi kể từ khi bắt đầu đại dịch: điều đúng đắn phải làm cũng chính là điều có lợi cho bản thân.

Điều đó đúng ngay cả trong kịch bản tốt nhất khi vaccine bảo vệ chúng ta chống lại Omicron và chủng virus mới được chứng minh có khả năng lây truyền ít hơn so với mức độ lo ngại hiện tại. Vì sao? Bởi trong khi một số quốc gia - như Vương quốc Anh - sẽ cố gắng áp dụng cách tiếp cận chờ - xem, những quốc gia khác có thể e ngại rủi ro hơn. Nước Áo đã áp đặt các hạn chế phong tỏa mới vào tuần trước vì tỷ lệ tiêm vaccine tương đối thấp của nước này (theo tiêu chuẩn châu Âu) đã khiến số ca nhiễm tăng vọt.

Trung Quốc, càng quan trọng hơn đối với kinh tế toàn cầu so với Áo, có xu hướng tiếp cận không khoan nhượng với Covid và có thể quyết định đóng cửa các nhà máy và bến cảng, do đó làm tăng thêm các tắc nghẽn chuỗi cung ứng vốn đã nghiêm trọng.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các ngân hàng trung ương sẽ ngày càng gia tăng. Một mặt, áp lực lạm phát tăng thêm sẽ khiến khả năng lãi suất cao hơn càng mạnh hơn. Mặt khác, khả năng nhu cầu yếu đi khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn sẽ biện minh cho việc các ngân hàng không làm gì cả. Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh nhận các báo cáo từ Chris Whitty, giám đốc y tế của chính phủ, và trước mắt những gì ông nói về tác động y tế của biến thể Omicron có thể cũng quan trọng như bất kỳ dữ liệu kinh tế nào trong việc xác định điều gì xảy ra với chi phí đi vay.

Và đây chỉ là kịch bản tốt nhất. Trong trường hợp xấu nhất, biến thể mới lây lan nhanh chóng và vaccine chỉ có thể bảo vệ hạn chế. Tỷ lệ lây nhiễm tăng và các chính phủ cảm thấy phải một lần nữa áp đặt các hạn chế đối với hoạt động kinh tế. Ông Whitty cho rằng công chúng sẽ ít sẵn sàng chấp nhận các hạn chế đối với quyền tự do cá nhân của họ hơn so với thời điểm mùa xuân năm 2020 và ông hầu như chắc chắn đúng.

Những người đã được chủng ngừa nghĩ rằng họ có thể sống một cách bình thường. Nhiều người trong số những người chưa được tiêm chủng - đặc biệt những người trẻ tuổi - cảm thấy nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong vì Covid là rất nhỏ (đúng là như vậy). Một đợt phong tỏa nữa sẽ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế; nó sẽ bị nhiều người phớt lờ và khó thực hiện về mặt chính trị.

Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, các nước phát triển sẽ chỉ có thể trách bản thân mình vì họ đã có khả năng ngăn các biến thể mới xuất hiện. Vẫn còn thời gian để làm điều đúng đắn. Các quốc gia giàu cần đảm bảo đạt được mục tiêu tiêm vaccine ở các nước nghèo. Họ cần thực hiện các cam kết tài chính của mình, cần ngừng dự trữ những liều vaccine sẽ không bao giờ sử dụng, đảo ngược việc cắt giảm viện trợ, cần từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế và cần ngừng quá sức thiển cận.

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1