Doanh nghiệp Thứ hai, 17/01/2022, 10:20 GMT+7
Trung Quốc: Nền kinh tế và các chuỗi cung ứng có nguy cơ bị tác động mạnh vì phương thức tiếp cận zero-Omicron

Chính phủ Trung Quốc kiên quyết loại bỏ bất kỳ dấu vết virus corona nào đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất khi các nhà chức trách chiến đấu với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Và điều này có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trả giá đắt trong năm nay.

j17 china

Biến thể Covid-19 đang lây lan trên khắp Trung Quốc trong những ngày gần đây, trong đó có các thành phố cảng lớn như Đại Liên và Thiên Tân, dẫn đến những hạn chế có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở những nơi này. Phần còn lại của thế giới cũng đang đối phó với Omicron, nhưng Trung Quốc thì khác vì sự kiên quyết của các nhà chức trách trong việc ngăn chặn bất kỳ đợt bùng phát lan rộng nào khi đóng cửa các thành phố và hạn chế đi lại.

Cách tiếp cận chặt chẽ này cho đến nay vẫn hiệu quả: Trung Quốc ghi nhận ít ca mắc Covid-19 hơn nhiều quốc gia khác trong đại dịch và nền kinh tế của nước này là nền kinh tế duy nhất tăng trưởng trong năm 2020.

Tuy nhiên, biến thể Omicron đe dọa sẽ cho thấy những điểm yếu nghiêm trọng trong kế hoạch này. Biến thể này dễ lây lan hơn những biến thể khác, nên rất khó ngăn chặn. Và khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với virus, các nhà kinh tế cho rằng chiến lược không khoan nhượng của Trung Quốc có khả năng lợi bất cập hại trong năm 2022.

Goldman Sachs vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 4.8% xuống 4.3%, gần một nửa những gì họ ước tính cho tốc độ tăng trưởng của năm ngoái.

Các sửa đổi đó được đưa ra "dựa trên những phát triển mới nhất của Covid - đặc biệt là mức hạn chế trung bình có thể cao hơn (và do đó chi phí kinh tế) để kềm chế biến thể Omicron cũng cao hơn," các nhà phân tích của Goldman viết trong một ghi chú nghiên cứu hôm thứ Ba.

Morgan Stanley cũng có quan điểm tương tự, biến thể Omicron có thể khiến chi phí cho phương thức zero-Covid lớn hơn lợi ích. Tuần trước, các nhà phân tích của họ dự báo tăng trưởng 4.9% trong quý một, nhưng nghi ngờ tăng trưởng có thể chậm lại 4.2% "nếu biến thể Omicron lan sang các khu vực khác và dẫn đến nhiều vụ phong tỏa toàn thành phố."

Các nhà phân tích cho rằng "các dịch vụ gián đoạn sâu hơn" là rủi ro hàng đầu đối với Trung Quốc, nếu nước này mở rộng các biện pháp ngăn chặn ra nhiều thành phố. Điều đó sẽ đánh dấu nỗ lực nghiêm trọng và rộng khắp nhất của Trung Quốc nhằm ngăn chặn virus corona kể từ tháng 4/2020, khi nước này dỡ bỏ đợt phong tỏa đối với Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của virus.

Đe doạ đối với chuỗi cung ứng

Cùng với lĩnh vực dịch vụ bấp bênh, vốn đang gặp khó khăn vì các đợt bùng phát Covid lẻ tẻ và các biện pháp chống virus, biến thể Omicron có thể giáng một đòn mạnh vào các nhà máy và chuỗi cung ứng, làm tăng thêm mối đe dọa kinh tế.

Một đợt bùng phát biến thể Delta đã buộc trung tâm công nghiệp Tây An phải đóng cửa vào đầu năm nay, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của các nhà sản xuất chip toàn cầu như Samsung và Micron.

Và sau đó là các ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở các thành phố cảng lớn. Tình trạng tắc nghẽn tàu tại các cảng Trung Quốc gần đây đã tồi tệ hơn khi nhiều thành phố thực hiện các quy định hạn chế nghiêm ngặt do dịch bệnh bùng phát, hoặc khi thắt chặt các chính sách xét nghiệm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 31/1.

Chẳng hạn, khu cảng Shekou ở Thâm Quyến đã bắt đầu hạn chế các xe tải đưa các container vào. Bắt đầu từ thứ Sáu, các chủ xe tải chỉ có thể vào bến nếu họ có đặt chỗ cho các container xuất khẩu trên các tàu đến cảng trong vòng ba ngày, nhà điều hành khu cảng cho biết.

Các hạn chế này đã có từ năm ngoái, khi một số cảng của Trung Quốc đóng cửa một thời gian ngắn sau khi các ca nhiễm được phát hiện trong các công nhân bến tàu. Những vấn đề đó dẫn đến tồn đọng container đang chờ rời đi và các tàu đang chờ cập cảng - gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu đang căng thẳng.

Cho đến nay, dường như không có tác động lâu dài đến thương mại. Dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Sáu cho thấy xuất khẩu đã tăng 21% trong tháng 12 so với một năm trước, vượt quá kỳ vọng. Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 676 tỷ USD trong năm 2021, cao nhất mọi thời đại.

Điều đó chỉ ra rằng chiến lược của Trung Quốc thực sự có thể giúp ích: Các đơn hàng xuất khẩu có thể đã chuyển sang Trung Quốc từ các nước đang phát triển khác vì "thiệt hại của Omicron đối với chuỗi cung ứng toàn cầu", theo Zhiwei Zhang, trưởng kinh tế của Pinpoint Asset Management.

Mặc dù vậy, vẫn có những rủi ro - đặc biệt nếu Trung Quốc áp đặt một lệnh phong tỏa toàn quốc.

“Dù làn sóng virus mới nhất của Trung Quốc dường như không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu trong tháng 12, các báo cáo của phương tiện truyền thông chỉ ra những tắc nghẽn và chậm trễ liên quan đến virus ngày càng tăng tại một số cảng lớn của Trung Quốc kể từ đầu năm,” theo Julian Evans-Pritchard viết. nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc cho Capital Economics "Với số ca nhiễm xuất hiện ở nhiều thành phố cảng hơn trong những ngày gần đây, trong đó có Đại Liên và Thượng Hải, tình hình có thể sẽ xấu hơn trong thời gian tới, làm giảm các lô hàng trong tháng này."

Tiếp tục đến cùng, với một cái giá

Trung Quốc khó có khả năng từ bỏ phương thức tiếp cận zero-Covid trong một thời gian. Một lý do: vaccine Sinovac Covid-19 của nước này không hiệu quả bằng các loại vaccine khác để chống lại biến thể mới, theo các báo cáo gần đây.

“Người dân hầu như không có kháng thể chống lại Omicron,” các giám đốc điều hành tại Eurasia Group viết trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng này. "Đóng cửa đất nước trong hai năm giờ đã khiến việc mở cửa trở lại càng trở nên rủi ro hơn."

Cùng với những lo ngại về sức khỏe của người dân, một số sự kiện quan trọng sắp tới có thể sẽ thuyết phục Bắc Kinh không thay đổi.

Nước này đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022 vào tháng Hai, khiến việc ngăn chặn Omicron trở nên quan trọng trong thời gian tới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được cho là sẽ hướng đến nhiệm kỳ thứ ba tại vị khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 20 vào nửa cuối năm nay, nhấn mạnh nhu cầu ổn định trong thời gian này.

Tuy nhiên, cái giá kinh tế của việc kềm chế một biến thể hung hăng có thể rất lớn. Theo các nhà phân tích tại Nomura, doanh số bán lẻ và các dịch vụ khác có thể bị ảnh hưởng lớn nếu có thêm các đợt phong tỏa, đồng thời lợi ích từ phương thức zero-Covid "có thể sẽ giảm đi trong khi cái giá phải trả tăng lên." Họ dự báo tăng trưởng GDP 2.9% trong quý một và 4.3% trong cả năm 2022.

Trong khi đó, chủ tịch Eurasia Group, Ian Bremmer và chủ tịch Cliff Kupchan, xem thất bại của chính sách zero-Covid của Trung Quốc là rủi ro địa chính toàn cầu hàng đầu cho năm 2022, một sự đổ vỡ có thể dẫn đến các đợt bùng phát lớn hơn, phong tỏa nghiêm trọng hơn và gián đoạn kinh tế lớn hơn.

“Điều này đi ngược  với những gì ông Tập Cận Bình muốn cho Trung Quốc khi tiến tới nhiệm kỳ thứ ba, nhưng ông ấy không thể làm gì được. Thành công ban đầu của chính sách zero-Covid và sự gắn bó cá nhân của ông khiến họ không thể thay đổi hướng đi."

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1