Giải quyết nợ ở các nước nghèo nhất bị ảnh hưởng do "thiếu dữ liệu" |
Ngân hàng Thế giới cho biết 40% các quốc gia có thu nhập thấp không công bố bất kỳ số liệu nào trong hai năm qua Nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập ở những quốc gia nghèo nhất thế giới đang bị cản trở do thiếu số liệu cập nhật, đáng tin cậy thể hiện những quốc gia riêng lẻ nợ bao nhiêu. World Bank, tổ chức có trụ sở tại Washington, nhấn mạnh đến những "khoảng trống lớn" trong dữ liệu, với 40% các quốc gia có thu nhập thấp không công bố bất kỳ số liệu nào về nợ chính phủ trong hai năm qua. Vào thời điểm đại dịch toàn cầu đã đẩy nợ lên các mức cao nguy hiểm, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết các ước tính “tập hợp” từ nhiều nguồn khác nhau khiến việc giải quyết vấn đề khó khăn hơn. Ngân hàng, vừa công bố số liệu vào tháng trước cho thấy nợ nước nghèo tăng 12% trong năm 2020, cho biết việc giám sát tình hình phải dựa trên cơ sở dữ liệu chắp vá với những tiêu chuẩn và định nghĩa khác nhau cũng như mức độ tin cậy khác nhau. Sự không nhất quán dẫn đến khác biệt lớn trong các bảng kê nợ công khai ở các nền kinh tế có thu nhập thấp - trong một số trường hợp, tương đương 30% tổng sản lượng quốc gia của một nước. David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết báo cáo này rất nghiêm túc và yêu cầu cải cách khẩn cấp. Ông nói: “Những quốc gia nghèo nhất sẽ nổi lên sau đại dịch Covid-19 với gánh nặng nợ lớn nhất trong vài thập kỷ qua nhưng tính minh bạch về nợ hạn chế sẽ trì hoãn việc tái cơ cấu và điều chỉnh nợ.” Tháng trước, ông Malpass cho biết trong số 74 quốc gia đủ điều kiện cho các khoản vay và trợ cấp ưu đãi thông qua chi nhánh Hiệp hội Phát triển Quốc tế của WB, hơn một nửa “đang gặp khó khăn về nợ nước ngoài hoặc có rủi ro cao.” Ngân hàng Thế giới cho biết trong số những quốc gia đã công bố dữ liệu trong hai năm qua, nhiều nước đã giới hạn dữ liệu trong phạm vi nợ của chính phủ trung ương. Nhiều quốc gia đang phát triển giàu tài nguyên đang ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay bằng tài nguyên - trong đó họ đảm bảo tài chính từ những người cho vay bằng cách đưa các dòng thu nhập trong tương lai làm tài sản thế chấp. Theo WB, các khoản vay bằng tài nguyên chiếm gần 10% khoản vay mới ở châu Phi cận Sahara từ năm 2004 đến năm 2018. Hơn 15 quốc gia có khoản nợ như vậy nhưng không có quốc gia nào cung cấp chi tiết về các thỏa thuận tài sản thế chấp. Báo cáo của ngân hàng, Minh Bạch Nợ ở Các Nền Kinh Tế Đang Phát Triển, bày tỏ lo ngại các quốc gia có thu nhập thấp đang bắt đầu sử dụng các giao dịch mua lại của ngân hàng trung ương và hoán đổi ngoại tệ để hỗ trợ vay nợ bên ngoài thay vì dùng chúng như những công cụ của chính sách tiền tệ. “Các hoạt động này không hiển thị trong thống kê nợ của chính phủ và cơ sở dữ liệu của các tổ chức tài chính quốc tế cũng không nắm bắt được chúng,” ông Malpass nói. “Cải thiện tính minh bạch về nợ đòi hỏi một khung pháp lý quản lý nợ công hợp lý, hệ thống quản lý và ghi nợ tích hợp, cũng như cải thiện việc giám sát nợ toàn cầu. Các tổ chức tài chính quốc tế, con nợ, chủ nợ và các bên liên quan khác, như các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và xã hội dân sự, tất cả đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy minh bạch nợ.” Ngân hàng cho biết họ từ lâu xem minh bạch nợ là một bước quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia vì sự cởi mở dẫn đến đầu tư mới, cải thiện trách nhiệm giải trình và giúp giảm tham nhũng. Tất cả các quốc gia vay từ WB - tổng cộng hơn 100 quốc gia - đều phải báo cáo chi tiết về khoản nợ nước ngoài của bất kỳ cơ quan công quyền nào. Phong Lữ lược dịch
Theo The Guardian
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|