Sự kiện Thứ sáu, 08/10/2021, 10:17 GMT+7
Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang đến. Không thể giải quyết trong một sớm một chiều

Giá khí đốt tự nhiên lên đến tận trời. Chi phí than tăng vọt. Dự đoán dầu $100.

o8 crisis

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do thời tiết và nhu cầu lại tăng mạnh đang trở nên tồi tệ hơn, gây báo động trước khi mùa đông đến, thời điểm cần nhiều năng lượng hơn để thắp sáng và sưởi ấm cho các ngôi nhà. Các chính phủ trên thế giới đang cố gắng hạn chế tác động đến người tiêu dùng, nhưng thừa nhận họ có thể không ngăn được hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Làm tình cảnh thêm phức tạp là áp lực ngày càng tăng lên các chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn khi các lãnh đạo thế giới chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quan trọng vào tháng 11.

Ở Trung Quốc, tình trạng mất điện kéo dài đối với dân chúng đã bắt đầu, trong khi ở Ấn Độ, các nhà máy điện đang tranh giành than. Những người bảo vệ người tiêu dùng ở châu Âu đang kêu gọi cấm ngắt điện nếu khách hàng không thể trả kịp nợ.

"Cú shock giá này là một cuộc khủng hoảng bất ngờ tại một thời điểm quan trọng", Giám đốc năng lượng EU Kadri Simson cho biết, đồng thời xác nhận EU sẽ phát thảo phản ứng chính sách dài hạn hơn vào tuần tới. "Ưu tiên trước mắt nên là giảm thiểu tác động xã hội và bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương."

Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương $230/thùng, tính theo dầu - tăng hơn 130% kể từ đầu tháng Chín và cao hơn tám lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services.

Tại Đông Á, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 85% kể từ đầu tháng Chín, lên khoảng $204/thùng tính theo dầu. Giá vẫn thấp hơn nhiều ở Hoa Kỳ, nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên, nhưng vẫn tăng lên mức cao nhất trong 13 năm.

“Những điều này khiến người ta lo sợ không biết mùa đông sẽ như thế nào,” theo Nikos Tsafos, chuyên gia năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington. Ông cho rằng sự lo lắng đã khiến thị trường vượt khỏi các yếu tố cơ bản của cung và cầu.

Sự điên cuồng để có được khí đốt tự nhiên cũng đang đẩy giá than và dầu lên cao, những thứ có thể được sử dụng thay thế trong một số trường hợp, nhưng gây ảnh hưởng xấu đến khí hậu. Ấn Độ, quốc gia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than, trong tuần này cho biết có tới 63 trong số 135 nhà máy nhiệt điện than của nước này chỉ còn nguồn than không quá hai ngày.

Tình hình đang khiến các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư lo lắng. Giá năng lượng tăng đang góp phần gây lạm phát, vốn đã là một mối quan ngại lớn khi nền kinh tế toàn cầu cố gắng loại bỏ những tác động kéo dài của Covid-19. Những vấn đề trong mùa đông có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Không có giải pháp dễ dàng

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nhu cầu năng lượng tăng cao khi kinh tế phục hồi sau đại dịch và hệ thống vốn được hiệu chỉnh cẩn thận bị gián đoạn bởi các sự kiện thời tiết hoặc sự cố máy móc.

Một mùa đông dài và lạnh bất thường đầu năm nay đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Nhu cầu năng lượng tăng cao cản trở quá trình tái dự trữ, thường diễn trong mùa xuân và mùa hè.

Trung Quốc tăng nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng có nghĩa là các thị trường LNG không thể lấp đầy khoảng trống. Xuất khẩu khí đốt của Nga giảm và trầm lắng bất thường làm trầm trọng thêm vấn đề.

“Giá điện năng ở châu Âu tăng vọt hiện nay thực sự chưa từng có. Chưa bao giờ giá điện lại tăng nhanh như vậy. Và chỉ vài ngày nữa là đến mùa thu - nhiệt độ vẫn ôn hòa," theo các nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng Société Générale

Ảnh hưởng đang lan rộng trên toàn cầu. Tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 47% kể từ đầu tháng Tám. Việc tranh giành than cũng khiến giá nhiều công ty châu Âu phải trả cho các khoản tín dụng carbon để sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng vọt.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng đang hỗ trợ giá dầu, vốn đạt mức cao nhất trong bảy năm tại Hoa Kỳ trong tuần này. Bank of America gần đây dự đoán một mùa đông lạnh giá có thể đẩy giá dầu thô Brent, giá chuẩn toàn cầu, vượt $100/thùng. Giá đã không cao như vậy kể từ năm 2014.

Chi phí điện ở châu Âu tăng cao
Các khoản tăng nhiều nhất ở Vương quốc Anh, nơi phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt để sản xuất điện
o8 crisis f 1

Jim Burkhard, người dẫn đầu nghiên cứu của IHS Markit về dầu thô, năng lượng và tính lưu động, cho rằng "không có sự giải cứu ngay lập tức nào."

“Sẽ không có Saudi Arabia,” nhà cung cấp duy nhất có thể nhanh chóng tăng cường sản xuất khí đốt tự nhiên. "Có vẻ như ta sẽ phải chịu đựng trong mùa đông Bắc bán cầu."

Về lý thuyết, nước Nga có thể tiến lên. Société Générale lưu ý việc các nhà chức trách Đức phê duyệt nhanh hơn đường ống Nord Stream 2 vốn nhạy cảm về chính trị, dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga đến châu Âu, sẽ làm giảm căng thẳng đáng kể.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ý nước Nga có thể tăng sản lượng, và tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom chưa bao giờ "từ chối tăng nguồn cung cho người tiêu dùng nếu họ nộp hồ sơ dự thầu phù hợp."

Nhưng Neil Chapman, phó chủ tịch cao cấp của ExxonMobil (XOM), nhấn mạnh đến những hạn chế trước mắt tại một hội nghị ngành trong tuần này.

"Tất nhiên có một mối quan ngại lớn trong ngành của chúng ta, vì nó thâm dụng vốn, ta không thể chỉ đơn giản bật nguồn cung," ông Chapman nói tại Diễn đàn Trí tuệ Năng lượng trực tuyến

Cái giá của Khủng hoảng

Kịch bản tốt nhất, theo ông Burkhard, là mùa đông với nhiệt độ trung bình cho phép giảm áp lực trong quý 2/2022.

Nhưng thời tiết khắc nghiệt trong những tháng tới sẽ gây căng thẳng lớn - đặc biệt ở những quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng, như Italy và Vương quốc Anh. Nước Anh đang trong tình thế đặc biệt khó khăn vì nước này thiếu khả năng lưu trữ và đang phải đối phó với sự cố hỏng đường dây điện với Pháp.

“Vương quốc Anh có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông cao nhất trong các nền kinh tế lớn của châu Âu. Nếu điều này xảy ra, chính phủ có thể sẽ yêu cầu các nhà máy giảm sản lượng và tiêu thụ khí đốt để đảm bảo nguồn cung cấp cho các hộ gia đình," theo Henning Gloystein, giám đốc nhóm năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại hãng tư vấn Eurasia Group

Chi phí năng lượng tăng vọt, và không có dấu hiệu giảm bớt, đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát, vốn đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc kỹ lưỡng các bước tiếp theo.

Giá năng lượng ở các nước phát triển đã tăng 18% trong tháng Tám, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố hôm thứ Ba. Và đó là trước khi tình hình xấu đi đáng kể trong những tuần gần đây.

Hóa đơn năng lượng cao hơn có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho quần áo hoặc các hoạt động như ăn uống ở ngoài, ảnh hưởng đến sự phục hồi sau đại dịch. Nếu các doanh nghiệp được yêu cầu cắt giảm hoạt động để bảo tồn nguồn điện, điều đó cũng có thể làm tổn hại nền kinh tế.

“Có những quan ngại rằng giá khí đốt tăng sẽ khiến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của châu Âu gặp rủi ro.”

Theo ông Gloystein, cũng có lo lắng biến động giá có thể khiến công chúng hoài nghi về việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, nếu người tiêu dùng yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào dầu và khí đốt để hạn chế những biến động trong tương lai.

Những chính phủ đã cam kết giảm phát thải đang cố gắng gửi đi một thông điệp chắc chắn: Điều này củng cố chứ không làm suy yếu việc đầu tư vào một tổ hợp đa dạng nguồn năng lượng hơn.

“Rõ ràng với năng lượng về lâu dài, điều quan trọng là phải đầu tư vào năng lượng tái tạo. Điều đó mang lại cho chúng ta giá cả ổn định và độc lập hơn, bởi vì 90% khí đốt được nhập khẩu vào Liên minh châu Âu," theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1