Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, từ chối mục tiêu phát thải ròng bằng không |
Ấn Độ hôm thứ Tư đã bác bỏ lời kêu gọi công bố mục tiêu không phát thải carbon ròng và cho rằng điều quan trọng hơn là thế giới phải phác thảo một con đường để giảm lượng khí thải và ngăn nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, đang chịu áp lực phải công bố kế hoạch trở thành quốc gia trung hòa carbon đến khoảng giữa thế kỷ này tại hội nghị khí hậu vào tuần tới ở Glasgow. Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường R.P.Gupta nói với các phóng viên rằng việc công bố phát thải zero không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu. "Lượng carbon ta sẽ đưa vào bầu khí quyển trước khi đạt tới zero mới là điều quan trọng hơn." Hoa Kỳ, Anh và Liên minh châu Âu đã đặt mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải zero ròng, theo đó họ sẽ chỉ thải ra lượng khí nhà kính có thể được hấp thụ bởi rừng, cây trồng, đất và công nghệ thu giữ carbon "còn phôi thai." Trung Quốc và Saudi Arabia đều đặt mục tiêu đến năm 2060, nhưng theo các nhà phê bình, những mục tiêu này phần lớn là vô nghĩa nếu không hành động cụ thể ngay từ bây giờ. Từ nay đến giữa thế kỷ, Hoa Kỳ sẽ thải 92 gigatons carbon vào khí quyển và EU 62 gigatons, ông Gupta cho biết, trích tính toán của chính phủ Ấn Độ. Ông nói thêm, Trung Quốc sẽ có thêm 450 gigatons khí thải nữa cho đến ngày đạt mục tiêu zero của mình. Đại diện của gần 200 quốc gia sẽ gặp nhau tại Glasgow, Scotland, từ ngày 31/10 đến ngày 12/11 để thảo luận về khí hậu nhằm tăng cường hành động để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu theo Thỏa thuận Paris 2015. Các quan chức cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham dự hội nghị, một dấu hiệu cho thấy nước này đang coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự. Trong khi nỗ lực hướng tới mức thải zero ròng, các quốc gia dự kiến sẽ công bố các mục tiêu trung gian mới và được củng cố thêm để cắt giảm khí thải. Bộ trưởng Môi trường Bhupendra Yadav cho rằng Ấn Độ đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu đặt ra tại hội nghị Paris năm 2015 và để ngỏ cánh cửa sửa đổi chúng. “Mọi thứ đều có thể,” ông nói. Ấn Độ đã cam kết giảm 33% -35% cường độ phát thải trong GDP của mình đến năm 2030 so với mức năm 2005, đạt mức giảm 24% vào năm 2016. Một số chuyên gia môi trường cho biết Ấn Độ có thể xem xét giảm cường độ phát thải tới 40% phụ thuộc vào tài chính và liệu nước này có tiếp cận được với các công nghệ mới hơn hay không. Yadav cho biết ông sẽ đo lường thành công của hội nghị Glasgow qua việc phân bổ tài chính khí hậu để giúp thế giới đang phát triển giảm lượng khí thải trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|