Sự kiện Thứ hai, 15/11/2021, 09:35 GMT+7
Truyền thông toàn cầu phản ứng với thỏa thuận khí hậu COP26: 'Vẫn trên đường đến địa ngục'

Các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đã đưa ra nhận định về thỏa thuận COP26, thỏa thuận được ký vào tối thứ Bảy, 13/11, nhằm nỗ lực ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

n15 hell

Gần 200 quốc gia đã thông qua thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian, vốn gặp nhiều trở ngại trong việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho than, nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ tài chính cho các nước có thu nhập thấp.

Ấn Độ và Trung Quốc, hai trong số những quốc gia đốt than lớn nhất thế giới, đã nhất quyết yêu cầu thay đổi ngôn ngữ về nhiên liệu hóa thạch vào phút chót trong hiệp định - từ “loại bỏ” than sang “giảm dần.”

Sau những phản đối ban đầu, các nước phản đối cuối cùng cũng nhượng bộ.

Nước Anh

Sáng Chủ nhật, tờ The Scottish Mail đăng tiêu đề “Glasgow giành được thỏa thuận về khí hậu cho thế giới” khi những thảo luận kéo dài hai tuần diễn ra tại thành phố lớn nhất Scotland. Tờ Scotland hôm Chủ nhật dẫn đầu với tiêu đề ảm đạm hơn: "Đừng nhầm lẫn, chúng ta vẫn đang trên đường đến địa ngục."

Tại London, tờ The Independent đăng tiêu đề: “Sharma xin lỗi vì thỏa thuận than xuống nước”, ám chỉ chủ tịch COP26, người đã trở nên khá xúc động trong những hoạt động cuối cùng vào tối thứ Bảy.

Theo Tờ Sunday Times, “Ấn Độ và Trung Quốc ngăn cản thỏa thuận COP loại bỏ than đá,” trong khi tờ Sunday Telegraph gọi đó là “sự leo thang về than đá”. Tờ The Mail mô tả đơn giản là "COP bỏ cuộc."

Nước Đức

Ấn bản tiếng Anh của Deutsche Welle tuyên bố: "Các lãnh đạo thế giới không tuân thủ cam kết về khí hậu." Họ lưu ý hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc "là một thất bại sau khi Ấn Độ và Trung Quốc làm suy yếu ngôn ngữ về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch."

Tờ báo lá cải Das Bild của Đức có tiêu đề “Weltweiter Kohleausstieg eingeleitet,” tạm dịch “Khởi xướng giai đoạn toàn cầu loại bỏ than đá.”

Tờ báo nhấn mạnh, dù ngôn ngữ có yếu đi, đây là lần đầu tiên một hội nghị COP đưa ra các quyết định cụ thể về than đá và nhiên liệu hóa thạch.

Nước Pháp

Tờ Le Monde của Pháp có tiêu đề “La COP26 accouche d’un accord en demi-teinte”, nhấn mạnh sự tiếp nhận trái chiều thỏa thuận này nhận được. Theo họ những quốc gia ở phía Bắc đã không đáp ứng được kỳ vọng của những quốc gia dễ bị tổn thương hơn ở miền Nam.

Tờ Le Figaro nói thêm thỏa thuận tối thứ Bảy có thể sẽ gây ra nhiều thất vọng.

Hoa Kỳ

Tờ New York Times dẫn đầu với: "Các nhà đàm phán đạt được một thỏa thuận về khí hậu, nhưng vẫn còn lâu mới hạn chế được sự nóng lên toàn cầu." Tờ Washington Post có tiêu đề tương tự, "Các quốc gia đạt được thỏa thuận để tăng tốc hành động vì khí hậu nhưng thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu."

Tờ Wall Street Journal chọn nêu bật một số hoài nghi xung quanh hiệp ước: "Các chính phủ thế giới đồng ý tăng cường cam kết về khí thải, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi."

Trung Quốc

Các thông báo COP26 ít được chú ý hơn trên các tờ báo của Trung Quốc nhưng cơ quan được nhà nước hậu thuẫn, Tân Hoa Xã, lưu ý thỏa thuận bao gồm “những cam kết tăng đáng kể hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ Thích ứng khi các nước phát triển được thúc giục tăng gấp đôi hỗ trợ cho các nước đang phát triển đến năm 2025.”

Tân Hoa xã viết: “Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu các nước phát triển, những nước mà sự phát triển của họ chịu trách nhiệm hco hầu hết các tác động của biến đổi khí hậu ngày nay, có để tâm đến khung thời gian đã định hay không.”

Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia thải khí carbon dioxide lớn nhất thế giới từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Thỏa thuận COP26 không lập được quỹ bồi thường cho những quốc gia chịu mất mát và thiệt hại liên quan đến khí hậu. Nhóm các nước đang phát triển G-77 tỏ ra “vô cùng thất vọng” trước thiếu sót này.

Tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bình luận từ Bộ Sinh thái và Môi trường của Trung Quốc, cơ quan đã đưa ra một tuyên bố vào Chủ Nhật rằng COP26 đã "kết thúc suôn sẻ."

Ấn Độ

Người ta cũng ít tập trung vào hội nghị thượng đỉnh khí hậu trên các phiên bản tiếng Anh của các trang web tin tức Ấn Độ. Thời báo Hindustan đăng bình luận của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, người thừa nhận thỏa thuận là một sự thỏa hiệp.

Tờ Times of India thu thập các bình luận của Bộ trưởng Môi trường Bhupender Yadav, người đã can thiệp suốt 11 giờ để thay đổi từ ngữ về than trong văn bản cuối cùng của thỏa thuận. Ông Yadav cho rằng Glasgow là “thành công theo quan điểm của Ấn Độ vì chúng tôi đã trình bày rõ ràng và đưa ra những quan ngại và ý tưởng của khu vực đang phát triển một cách khá ngắn gọn và rõ ràng.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1