Tài chính Thứ năm, 04/11/2021, 10:41 GMT+7
Các ngân hàng lớn nhất thế giới sẽ có vai trò trong hạn chế phát thải khí nhà kính

Cam kết của hơn 450 tổ chức tài chính tại 45 quốc gia được xem là một trong những thành công của hội nghị thượng đỉnh Cop26

n4 climate

Hàng trăm ngân hàng và quỹ hưu trí lớn nhất thế giới với tài sản trị giá 130 tỷ USD đã cam kết thực hiện mục tiêu chính trong hạn chế phát thải khí nhà kính.

Cam kết của hơn 450 tổ chức tài chính tại 45 quốc gia được xemlà một trong những thành tựu hàng đầu của Vương quốc Anh khi đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Cop26 ở Glasgow, trong khi một số mục tiêu khác của hội nghị - chủ yếu đưa thế giới tiến đến hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng 1.5 độ C - khá khó đạt được.

Tài chính là chìa khóa cho sự chuyển đổi kinh tế lớn cần thiết để rời xa nhiên liệu hóa thạch và đạt tới phát thải zero ròng để nền kinh tế toàn cầu có thể vận hành mà không làm tổn hại đến khí hậu.

Nhưng các chuyên gia và các nhà vận động nghi ngờ về các tuyên bố tài chính của chính phủ, cho rằng các ngân hàng đưa ra cam kết vẫn tự do rót tiền vào nhiên liệu hóa thạch và chỉ cần chuyển một phần nhỏ tài trợ của họ sang mục đích phát thải carbon thấp trong thập kỷ tới.

Tin tức về cam kết được đưa ra vào cuối ngày thứ hai của hội nghị Cop26 ở Glasgow khi các lãnh đạo thế giới kết thúc các bài phát biểu và các nhà đàm phán đang chuẩn bị phát thảo chi tiết có thể tạo cơ sở cho một thông cáo chung cuối cùng vào cuối tuần tới.

Vào một ngày có các thông báo rầm rộ khác, những tiến triển chính gồm:

• Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông “lạc quan một cách thận trọng” về việc đạt được một thỏa thuận để giữ mục tiêu 1.5C đúng tiến độ. Như trong bóng đá, trước đây ông từng nói thế giới đang thua với tỷ số 5-1, ông tuyên bố vào tối thứ Hai rằng tỷ số bây giờ “giống 5-2 hoặc 5-3 hơn”.

• Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch của 90 quốc gia nhằm kiểm soát khí methane, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Theo thỏa thuận, không bao gồm các nước phát thải lớn là Nga và Trung Quốc, lượng khí methane phát thải sẽ giảm 30% vào cuối thập kỷ này.

• Trong một thỏa thuận đa quốc gia khác, hơn 40 quốc gia trong đó có Anh, Mỹ, EU, Ấn Độ, Trung Quốc và Australia đã ký một kế hoạch phối hợp đưa công nghệ sạch ra khắp thế giới. Bằng cách hợp tác trong những lĩnh vực như sản xuất hydro và xe điện, các thành viên của Liên minh Đột phá hy vọng sẽ mang đến “điểm chuyển đổi” khi công nghệ xanh rẻ hơn so với công nghệ nhiên liệu hóa thạch.

• Nhóm các quốc gia có mục tiêu khí hậu tham vọng nhất, được gọi là Liên minh Tham vọng Cao, được khích lệ bởi thông báo Hoa Kỳ sẽ gia nhập lại hàng ngũ của họ sau khi rút khỏi hiệp định Paris hoàn toàn dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Các nhà quan sát cho rằng động thái này sẽ củng cố nỗ lực đi đúng hướng đối với mục tiêu nhiệt độ tăng 1.5 độ C.

Vào tối thứ Ba, Rishi Sunak, Bộ trưởng tài chính Anh, cho biết Luân Đôn sẽ trở thành “trung tâm tài chính phát thải zero ròng” đầu tiên trên thế giới và đưa ra những quy định mới buộc các công ty đại chúng phải báo cáo kế hoạch để đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Ông nói: “Tôi tự hào rằng dưới sự lãnh đạo của Vương quốc Anh, số lượng các công ty tài chính cam kết thực hiện kế hoạch phát thải zero ròng đã tăng gấp ba, với tổng tài sản hiện nay là 130 tỷ USD. Khai thác hàng nghìn tỷ USD do các công ty này kiểm soát trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Vì vậy, tôi đã thông báo những yêu cầu mới để các công ty công bố kế hoạch chuyển đổi phát thải zero ròng. Cùng nhau, chúng ta có thể cung cấp tiền mặt mà thế giới cần để ngăn biến đổi khí hậu thảm khốc."

Cam kết tài chính, được gọi là Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero (GFANZ), nghĩa là đến năm 2050, tất cả tài sản do các tổ chức có liên quan quản lý sẽ được điều chỉnh phù hợp với phát thải zero ròng. Các nhà kinh tế ước tính có thể sẽ cần khoảng 100 tỷ USD đầu tư trong ba thập kỷ tới để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, vì vậy về lý thuyết, GFANZ sẽ cung cấp nhiều tiền mặt hơn cả cần thiết để đáp ứng mục tiêu.

Mark Carney, cựu thống đốc Ngân hàng Anh, hiện là đặc phái viên về khí hậu của Vương quốc Anh và Liên hợp quốc, cho biết: “Kiến trúc của hệ thống tài chính toàn cầu đã được chuyển đổi để thực hiện phát thải zero ròng. Giờ đây, chúng ta đã có sẵn hệ thống cần thiết để đưa biến đổi khí hậu từ ngoài rìa sang mặt trận tài chính hàng đầu để mọi quyết định tài chính đều có tính đến biến đổi khí hậu… Cam kết vốn nhanh chóng và quy mô lớn đối với phát thải zero ròng, thông qua GFANZ, giúp việc chuyển đổi sang thế giới với mức nhiệt tăng 1.5C khả thi.”

Nhưng các chuyên gia cho rằng những tuyên bố này đã bị thổi phồng quá mức. Con số 130 tỷ USD đề cập đến tài sản các công ty đang quản lý, chỉ một phần nhỏ trong số đó - khoảng một phần ba - sẽ được dành cho các khoản đầu tư vào carbon thấp trong thập kỷ quan trọng tới, khi lượng khí thải phải giảm một nửa để giữ nhiệt độ không tăng cao hơn 1.5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Theo Simon Youel thuộc nhóm chiến dịch Positive Money: “Các ngân hàng có thể đang chuẩn bị mở rộng quy mô đầu tư vào các hoạt động‘xanh’, nhưng thông báo này không nói gì về các khoản đầu tư của các công ty tài chính vào những dự án nhiên liệu hóa thạch mới. Các quốc gia phải đưa ra các hạn chế đối với các khoản đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch nếu chúng ta có cơ hội giữ được mức tăng 1C.”

Bộ trưởng Sunak đã bị cáo buộc ngăn chặn các biện pháp ‘xanh’ và được cho là phản đối kế hoạch phát thải zero ròng trong chính phủ. Ông hầu như không đề cập đến khí hậu trong bản đánh giá chi tiêu toàn diện gần đây của mình, ngân sách của ông có ít các biện pháp ‘xanh’ và nhiều chính sách carbon cao, và bài phát biểu của ông ở Glasgow gần như là lần đầu tiên ông thừa nhận Cop26.

Theo Sam Alvis, người đứng đầu bộ phận kinh tế của tổ chức nghiên cứu Green Alliance: “Rõ ràng có tiến bộ khi Bộ trưởng đưa Bộ Tài chính vào sân tại Cop26. Nhưng hàng nghìn tỷ dollar vẫn đang đổ vào nhiên liệu hóa thạch mỗi ngày và các biện pháp tự nguyện vẫn chưa đủ giúp chúng ta tiến xa. Để duy trì mục tiêu 1.5C, các chính phủ sẽ cần quy định các công ty không chỉ công bố các kế hoạch chuyển đổi mà còn phải có các tiêu chí nghiêm ngặt với sự ràng buộc pháp luật về độ tin cậy và tốc độ của họ. "

Trước sự thất bại của các quốc gia giàu có trong việc thực hiện những lời hứa tài chính, các nhà ngoại giao từ các khu vực khác trên thế giới đã chuyển vấn đề tín nhiệm sang các bên tài trợ. Ngoại trưởng Ấn Độ, Harsh Vardhan Shringla cho rằng đã đến lúc các quốc gia giàu có phải đối mặt với việc kiểm tra độ tin cậy về tài chính mà các nước đang phát triển dự kiến sẽ chấp nhận về việc cắt giảm khí thải.

Ông nói: “Có rất nhiều cam kết được đưa ra, nhưng không được tiến hành đến nơi đến chốn. Áp lực về hành động khí hậu phải ngang bằng với áp lực về tài chính khí hậu. Chỉ đặt mục tiêu thôi là chưa đủ, cần phải có phương tiện để thực hiện. Cần có những mốc thời gian hữu hình, sự giám sát hữu hình.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1