Thị trường Thứ sáu, 26/02/2021, 08:51 GMT+7
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về 'mối đe dọa lớn nhất' đối với hòa bình và ổn định toàn cầu

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nghe điều trần về việc biến đổi khí hậu là “mối đe dọa lớn nhất” đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

f26 un

Thủ tướng Boris Johnson sẽ cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng trừ khi cộng đồng toàn cầu thực hiện “hành động khẩn cấp để giải quyết biến đổi khí hậu, thế giới có nguy cơ làm trầm trọng thêm các xung đột, chuyển dời và mất an ninh,” chính phủ Anh cho biết trong một tuyên bố.

Vương quốc Anh hiện giữ vị trí chủ tịch Hội đồng trong một tháng, có nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế. Các thành viên thường trực của Hội đồng gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Hoa Kỳ.

Trước phiên họp, ông Johnson cho biết Hội đồng “có nhiệm vụ đối mặt với những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, và đó chính xác là điều mà biến đổi khí hậu mang đến… Từ những cộng đồng bị tàn phá vì bởi thời tiết khắc nghiệt và đói kém, đến các nhà quân phiệt tranh giành tài nguyên - một hành tinh đang nóng lên càng thúc đẩy tình trạng mất an ninh.”

Ông nói thêm “không như nhiều vấn đề Hội đồng thường giải quyết, đây là vấn đề chúng ta biết chính xác phải giải quyết như thế nào” và bằng cách giúp những quốc gia dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như giảm lượng khí thải toàn cầu xuống còn hoàn toàn bằng 0, “chúng ta sẽ không chỉ bảo vệ đa dạng sinh học phong phú của hành tinh, mà còn bảo vệ sự an ninh và thịnh vượng trên trái đất."

Nhà tự nhiên học và nhân vật truyền hình nổi tiếng David Attenborough cũng phát biểu trước Hội đồng. Theo ông “nếu quyết liệt giảm lượng khí thải, chúng ta có thể vẫn tránh được những điểm bùng phát sẽ khiến tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra không thể ngăn cản.”

Ông cho rằng cuộc họp sắp tới của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, COP26, sẽ diễn ra tại Glasgow vào tháng 11, có thể là “cơ hội cuối cùng để thực hiện những thay đổi cần thiết.”

Ông nói: “Nếu nhìn nhận một cách khách quan biến đổi khí hậu và những mất mát của tự nhiên là những mối đe dọa an ninh trên toàn thế giới - trên thực tế là như vậy - chúng ta có thể sẽ hành động tương xứng và kịp thời,” ông nói.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và nhà hoạt động khí hậu người Sudan Nisreen Elsaim cũng phát biểu trực tiếp trước Hội đồng Bảo an.

Báo cáo tóm tắt trước phiên họp, Vương quốc Anh lưu ý “tác động của biến đổi khí hậu đã được cảm nhận trên khắp thế giới, với những tác động từ nhiệt độ tăng và thời tiết khắc nghiệt buộc người dân di cư và dẫn đến cạnh tranh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm. Trong số 20 quốc gia được xếp hạng dễ bị tổn thương nhất do nhiệt độ toàn cầu tăng, 12 quốc gia đã và đang xảy ra xung đột.”

Về phần mình, Vương quốc Anh đã cam kết bằng luật đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và hứa cắt giảm ít nhất 68% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2030 - mức giảm sâu nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào.

Cùng với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có 10 thành viên không thường trực được bầu cho các nhiệm kỳ hai năm. Các thành viên hiện tại là Estonia, Ấn Độ, Ireland, Kenya, Mexico, Niger, Na Uy, St Vincent và Grenadines, Tunisia và Việt Nam.

Những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là mục tiêu ưu tiên trong chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế, dù các chuyên gia môi trường lo ngại đã quá muộn để giải quyết vấn đề này.

Hoa Kỳ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden, quốc gia này hiện đã chính thức tham gia lại thỏa thuận khí hậu Paris, một hiệp ước mang tính bước ngoặt giữa các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải carbon, mà Hoa Kỳ đã rời bỏ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1