Giá dầu tăng khi OPEC và các đồng minh tiếp tục cắt giảm sản lượng |
Một nhóm các nhà sản xuất dầu lớn đã đồng ý kéo dài các cắt giảm sản lượng thêm một tháng bất chấp giá tăng gần đây, đồng thời lựa chọn hạn chế nguồn cung cho đến khi kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc hơn. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh hôm thứ Năm, 3/4, cho biết họ sẽ chủ yếu thực hiện cắt giảm sản lượng trong tháng Tư. Hai quốc gia - Nga và Kazakhstan - được miễn trừ để tăng sản lượng lên một ít. Trong tháng Giêng, nhóm OPEC+ đã đồng ý giữ sản lượng ổn định trong tháng Hai và tháng Ba. Vào thời điểm đó, Saudi Arabia đã khiến các thị trường bất ngờ khi cam kết giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, một động thái phản ánh sự bất an về nhu cầu mong manh. Hôm thứ Năm, Saudi Arabia đã đồng ý gia hạn cắt giảm thêm đến hết tháng Tư. Trong những tháng gần đây, giá tăng cao khiến các nhà sản xuất tin tưởng cắt giảm sản lượng đã đưa thị trường vào một thế vững chắc sau đại dịch. Nhưng OPEC+ đã chọn phương thức an toàn vào thứ Năm. Khoản giảm nguồn cung của nhóm đã lên đến gần 8 triệu thùng mỗi ngày, tính cả khoản giảm thêm của Saudi Arabia. Tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz Bin Salman cho biết "vẫn chưa có được kết quả" về tương lai của thị trường dầu. "Với tình trạng khó đoán định và không chắc chắn này, tôi cho rằng ta phải lựa chọn. Tôi thuộc trường phái thận trọng. Tôi sẽ tin vào sự phục hồi của thị trường,” ông nói. Năm ngoái, OPEC+ đã giảm sản lượng với mức kỷ lục 9.7 triệu thùng/ngày. Các biện pháp khẩn cấp, cùng với việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất Mỹ và những nước khác, đã thúc đẩy giá phục hồi mạnh. Sự phục hồi tăng tốc trong những tháng gần đây khi hàng triệu người trên thế giới được tiêm vaccine chống Covid, cho phép nới lỏng dần các hạn chế. Giá dầu thô kỳ hạn hiện đã phục hồi tất cả những khoản mất trong những tháng đầu của đại dịch. Dầu thô Brent, tiêu chuẩn toàn cầu, tăng hơn 5% lên $67.55 vào thứ Năm. Giá dầu của Mỹ trên mức $64.50, khác hẳn khoản giảm hồi tháng Tư năm ngoái khi lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu xuống dưới 0. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 5.4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, đạt 96.4 triệu thùng/ngày, phục hồi khoảng 60% khối lượng bị mất vì đại dịch. Theo IEA, nhu cầu sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay khi lượng vaccine được cung cấp nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại về tốc độ phân phối vaccine. Ngay cả ở những quốc gia đã mua thuốc tiêm chủng sớm, trong đó có Liên minh Châu Âu, việc tiêm chủng cho người dân mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Trì hoãn thêm nữa có thể làm suy yếu nhu cầu đối với dầu thô vào cuối năm nay. Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|