Thị trường Thứ năm, 25/11/2021, 10:35 GMT+7
Những quốc gia này sẽ tham gia cùng Mỹ sử dụng kho dự trữ dầu khẩn cấp

Một số quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới đang tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm cố gắng hạ nhiệt giá cao và kiềm chế lạm phát.

n25 oilemergencies

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba, 23/11, Nhà Trắng cho biết Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Vương quốc Anh sẽ tham gia sáng kiến này sau nhiều tuần thảo luận để hình thành kế hoạch kềm chế giá tăng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cơ quan giám sát nguồn cung dầu toàn cầu thay mặt các nền kinh tế hàng đầu thế giới, cho biết họ tôn trọng quyết định của các quốc gia về "cách tốt nhất để ứng phó với những thách thức và hoàn cảnh cụ thể mỗi nước phải đối mặt."

"Chúng tôi nhận thấy giá dầu tăng đang đặt gánh nặng lên người tiêu dùng và gây thêm áp lực lạm phát trong thời kỳ kinh tế phục hồi không đồng đều và phải đối mặt với một loạt những rủi ro," IEA cho biết trong một tuyên bố.

Hoa Kỳ sẽ giải phóng khoảng 50 triệu thùng từ kho Dự trữ Dầu Chiến lược, dự kiến dầu sẽ đến được thị trường vào tháng 12. Dưới đây là những gì các quốc gia khác đang làm:

Ấn Độ

Ấn Độ đã đồng ý xuất kho 5 triệu thùng, đúng thời hạn theo thỏa thuận với 5 quốc gia khác.

"Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc nguồn cung dầu bị các nước sản xuất dầu điều chỉnh một cách giả tạo dưới mức nhu cầu, dẫn đến giá cả tăng cao và các hậu quả tiêu cực," chính phủ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố ngay sau thông báo của Nhà Trắng.

Một số chính quyền bang của Ấn Độ đã thực hiện "những bước khó khăn" để giảm thuế nhiên liệu địa phương.

"Bất chấp gánh nặng tài chính cao đối với chính phủ, những bước đi này được thực hiện để hỗ trợ người dân," chính phủ Ấn Độ nói thêm.

Hàn Quốc  

Chính phủ Hàn Quốc trong một tuyên bố cho biết số lượng và thời gian giải phóng trữ lượng dầu của họ sẽ được quyết định thông qua tham vấn với các nước khác, nhưng cho biết dự kiến sẽ "tương tự các trường hợp hợp tác quốc tế trước đây."

Trong cuộc khủng hoảng Libya năm 2011, khi cuộc nội chiến làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu do mất tới 1.8 triệu thùng dầu mỗi ngày, Hàn Quốc đã giải phóng gần 3.5 triệu thùng, khoảng 4% trữ lượng dầu của nước này.

"Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tham gia vào đề xuất của Mỹ về việc giải phóng dầu dự trữ sau khi cân nhắc nhu cầu hợp tác quốc tế để đối phó với việc giá dầu quốc tế tăng mạnh gần đây, tầm quan trọng của liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ, và sự tham gia của các quốc gia lớn," theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao.

Vương quốc Anh

Trong một tuyên bố, Chính phủ Anh cho biết họ sẽ cho phép các công ty "tự nguyện giải phóng" lượng dầu dự trữ lên tới 1.5 triệu thùng, và gọi đó là "một bước đi hợp lý và được đo lường nhằm hỗ trợ thị trường toàn cầu khi thế giới thoát khỏi đại dịch."

Người phát ngôn của chính phủ cho biết: “Như đã nói trước đây, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế của mình để làm những gì có thể nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu thông qua quá trình chuyển đổi sau đại dịch.”

Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà nhập khẩu dầu lớn nhất cho biết họ đang tiến hành một đợt giải phóng dầu chiến lược. Người phát ngôn của Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này đang "thúc đẩy các công việc liên quan đến việc giải phóng dầu thô ngay lúc này."

Người phát ngôn từ chối bình luận về việc liệu động thái này có phải nhằm đáp ứng yêu cầu hợp tác cùng nhau của Hoa Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn cung hay không.

Trung Quốc không công bố nhiều dữ liệu về trữ lượng dầu của họ, nhưng năm 2017 nước này đã thành lập 9 cơ sở dự trữ lớn trên cả nước, với tổng công suất 37.7 triệu tấn.

Nhật Bản

Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên nước này đang "xem xét những gì chúng tôi có thể làm dựa trên sự hợp tác của mình với các đồng minh," khi ông được hỏi về khả năng giải phóng dầu từ kho dự trữ của mình cùng với Hoa Kỳ và các nước khác.

Nhật Bản có 388 triệu thùng trong tổng dự trữ dầu thô chiến lược tính đến tháng 6/2020, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, khoảng 76% trong số đó là dự trữ chính phủ và khoảng 24% là dự trữ thương mại.

Triển vọng của Hoa Kỳ và các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác, giải phóng nguồn dầu khẩn cấp đã giúp giảm giá dầu, ít nhất trong ngắn hạn. Sau khi vượt qua mức $85/thùng vào cuối tháng Mười, giá dầu của Mỹ đã giảm khoảng 10%, giúp hạn chế giá xăng dầu tăng.

Nỗ lực phối hợp này diễn ra sau khi OPEC+ quyết định phớt lờ những kêu gọi đẩy nhanh tốc độ khôi phục nguồn cung bị cắt giảm vào cao điểm của đại dịch.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1