OPEC và Nga sẽ bơm thêm dầu vào tháng Giêng bất chấp giá lao dốc |
Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất dầu hàng đầu khác đã quyết định tiếp tục kế hoạch tăng nguồn cung vào tháng Giêng bất chấp đợt giá giảm gần đây do lo ngại thừa cung. Thỏa thuận đạt được hôm thứ Năm, 2/12, tại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và các đồng minh quan trọng, OPEC+. Giá dầu toàn cầu đã giảm hơn 20% kể từ cuối tháng Mười. Giá dầu thô Brent giao sau, giá chuẩn toàn cầu, đã tăng khoảng 70% kể từ đầu năm, nhưng bắt đầu giảm vào tháng 11 khi Hoa Kỳ và các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác đồng ý giải phóng hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của mình nhằm cố gắng hạ nhiệt giá xăng và ngăn lạm phát tăng thêm nữa. Giá giảm nhanh khi các ca nhiễm Covid-19 tăng ở châu Âu và biến thể Omicron nổi lên như một mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động kinh tế. Trong tuyên bố của mình, OPEC+ cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ đại dịch, thị trường dầu mỏ và sẵn sàng thực hiện "các điều chỉnh ngay lập tức nếu cần.” Họ đã lên lịch cho cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/1. Các nhà phân tích đã dự kiến OPEC+ sẽ tạm dừng khoản tăng sản lượng 400,000 thùng/ngày dự kiến vào tháng Giêng do giá giảm gần đây và sự không chắc chắn về quỹ đạo của đại dịch cũng như tác động của nó đối với nhu cầu dầu. Dầu thô Brent và dầu giao sau của Mỹ, giao dịch cao hơn vào đầu ngày thứ Năm, đều đi xuống trước khi phục hồi, giao dịch cao hơn khoảng 1% lần lượt $69 và $66/thùng. Tin tức này sẽ không ngay lập tức giúp ích cho các tài xế Mỹ. Theo AAA, giá trung bình đối với loại xăng không chì thông thường chỉ giảm 2 cent xuống $3.38/gallon trong tháng qua, ngay cả khi giá dầu thô lao dốc. Dù giá dầu thô yếu hơn có thể sẽ khiến OPEC và Nga hiện ở vào thế bất lợi, nhưng ảnh hưởng của họ đối với thị trường dầu mỏ sẽ chỉ tăng lên trong dài hạn khi tỷ trọng sản lượng toàn cầu của nhóm này tăng lên. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, OPEC và Nga có thể chiếm 58% nguồn cung dầu toàn cầu đến năm 2050, so với mức 46.5% của năm ngoái, do các quốc gia khác – trong đó có Hoa Kỳ - đầu tư ít hơn vào thăm dò và sản xuất khi các cổ đông đòi hỏi kỷ luật tài chính nhiều hơn. Áp lực từ các nhà đầu tư cũng đang tăng nhằm giảm khí thải carbon và đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|