Thị trường Thứ ba, 23/11/2021, 10:32 GMT+7
Mỹ muốn nhiều dầu hơn, nhưng OPEC+ không thể mở vòi nhiều hơn

Áp lực của Hoa Kỳ đối với OPEC+ để sản xuất thêm dầu và hạ nhiệt giá dầu thô khiến người ta chú ý đến một vấn đề tương đối mới đối với nhóm các nhà sản xuất này: họ không thừa nhiều năng lực để tăng sản lượng nhanh hơn, ngay cả khi họ muốn.

n23 us

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, OPEC+, đang tháo dỡ những hạn chế nguồn cung kỷ lục được thực hiện năm 2020 khi nhu cầu lao dốc, nhưng không đủ nhanh đối với Washington, vốn đang lo lắng khi giá dầu gần các mức cao nhất trong ba năm.

OPEC+, trong đó có Nga, đã chống lại áp lực tăng nhanh sản lượng, bám sát kế hoạch nâng dần sản lượng lên 400,000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng Tám, với lý do họ lo ngại tăng sản lượng nhanh hơn sẽ dẫn đến thừa cung trong năm 2022.

Tuy nhiên, OPEC+ thậm chí không thể đạt được những mục tiêu đó. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng khai thác của OPEC+ ít hơn 700.000 thùng/ngày so với dự tính trong cả tháng Chín và tháng Mười, làm tăng triển vọng thị trường thắt chặt và giá dầu cao trong thời gian dài hơn.

Trước đây, các nhà sản xuất OPEC nhỏ hơn ở châu Phi và thậm chí một số nhà sản xuất lớn hơn ở vùng Vịnh có thể sẽ vượt quá hạn ngạch do OPEC đặt ra khi họ cần thêm tiền, thường là khi giá dầu thấp.

Tuy nhiên, đầu tư vào sản xuất giảm mạnh do áp lực từ đại dịch và vấn đề môi trường lên các quốc gia khai thác dầu mỏ, đặc biệt ở những quốc gia OPEC nghèo hơn, nghĩa là chỉ có ba thành viên OPEC – Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq - có thừa năng suất để tăng nguồn cung tương đối nhanh chóng.

"Dữ liệu gần đây chứng tỏ cho dự kiến lâu nay của chúng tôi rằng ngày càng có nhiều thành viên cạn kiệt năng lực dự phòng," hãng tư vấn Energy Aspects viết trong một lưu ý.

Áp lực sản xuất thêm

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã thúc ép OPEC+ cắt giảm sản lượng năm 2020 khi giá lao dốc và đe dọa phá hủy ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Nhóm này đã đồng ý giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày, tức 10% nguồn cung toàn cầu.

Do nhu cầu tăng trở lại nhanh hơn nhiều người dự kiến, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã liên tục thúc ép OPEC+ cung cấp thêm nguồn cung, lo ngại giá dầu thô cao - dầu Brent đã tăng hơn 50% trong năm nay - có thể cản trở đà phục hồi toàn cầu.

"OPEC+ vẫn làm ngơ trước áp lực chính trị đẩy nhanh tốc độ tăng nguồn cung," Energy Aspects cho biết.

Không thể thuyết phục OPEC+ sản xuất thêm và đối mặt với tỷ lệ phiếu ủng hộ thấp trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm tới, tổng thống Biden đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản phối hợp giải phóng kho dự trữ dầu.

Tuy nhiên, một động thái như vậy khá phức tạp theo quy định của IEA có trụ sở tại Paris, tổ chức đại diện cho các quốc gia công nghiệp hóa. Theo quy tắc của IEA, kho dự trữ chỉ được giải phóng để đối phó với các cú shock, như chiến tranh hoặc bão tố, chứ không phải để điều chỉnh giá.

Theo Goldman Sachs: “Một đợt giải phóng nguồn dự trữ sẽ chỉ giúp khắc phục tình trạng thâm hụt cơ cấu trong ngắn hạn và sẽ tạo ra rủi ro tăng giá rõ ràng cho dự báo giá năm 2022 của chúng tôi.”

Dù giá dầu thô cao hơn có thể giúp thúc đẩy nguồn cung, nhưng Goldman Sachs cho rằng đầu tư đang bị cản trở bởi các mối quan ngại về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cùng những nỗi lo về sự nóng lên toàn cầu, trong đó các ngân hàng tính phí cho vay đối với các dự án dầu nhiều hơn các dự án xanh.

Theo lịch trình nới lỏng giới hạn sản lượng, OPEC+ sẽ chính thức giảm 3.8 triệu thùng/ngày đến ngày 1/12. Tuy nhiên, với việc một số thành viên OPEC+ không thể tăng sản lượng đủ, mức cắt giảm thực tế vẫn lớn hơn.

Mất dần bộ đệm

IEA cho biết Angola và Nigeria chiếm gần 90% trong tổng số 730,000 thùng/ngày trong OPEC+ bị thiếu trong tháng Mười.

Energy Aspects cho biết họ dự kiến “lỗ hổng trong sản xuất OPEC+ sẽ tăng đều đặn khi hạn ngạch tiếp tục tăng.”

Ngay cả khi các nhà sản xuất OPEC+ bắt kịp, điều này sẽ làm giảm năng lực sản xuất dự phòng, có thể khiến các nhà đầu tư cảnh giác và đẩy giá lên nếu thế giới không còn đủ năng lực dư thừa để đối phó với một cú shock.

“Công suất dự phòng của ngành, hiện ở mức 3-4 triệu thùng/ngày đang khiến thị trường khá thoải mái, tuy nhiên, tôi quan ngại bộ đệm... có thể mất đi,” Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, Amin Nasser nói trên Diễn đàn Quản lý Toàn cầu Nikkei.

Saudi Arabia hiện đang sản xuất gần 10 triệu thùng/ngày nhưng chưa bao giờ sản xuất hơn 11 triệu thùng/ngày trong trong nhiều tháng, dù họ nói họ có công suất nhiều hơn. Các nhà sản xuất Nga như Gazprom Neft cho biết họ gặp khó khăn để sản xuất nhiều hơn.

Ngành dầu đá phiến của Hoa Kỳ, những năm gần đây đã biến Hoa Kỳ từ một nhà nhập khẩu dầu thô ròng thành nhà xuất khẩu, có thể giúp giảm áp lực giá bằng cách tăng sản lượng.

Nhưng rủi ro giá tăng vẫn còn đó, theo Russell Hardy, người đứng đầu một trong những bên giao dịch dầu lớn nhất thế giới Vitol,"Rõ ràng có khả năng giá lên đến $100.”

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1