JP Morgan cảnh báo kinh tế Mỹ sắp thu hẹp |
Đại dịch đang gia tăng, các lệnh giới nghiêm toàn tiểu bang đã trở lại và Washington lặng thing. Bối cảnh độc hại này đang làm trật nhịp sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ ngay khi ông Joe Biden chuẩn bị lên nắm quyền - và JPMorgan đang cảnh báo kinh tế Mỹ trên thực tế sắp thu hẹp. Vào thứ Sáu, 20/11, JPMorgan đã trở thành ngân hàng Phố Wall đầu tiên cảnh báo GDP sẽ chuyển sang tiêu cực vào đầu năm sau khi người Mỹ chờ đợi được phân phối vaccine. Các nhà kinh tế của JPMorgan viết trong một lưu ý khách hàng: “Mùa đông năm nay sẽ thật khắc nghiệt, và chúng tôi tin rằng nền kinh tế sẽ lại suy giảm” trong quý đầu tiên. Sau khi tăng trưởng mạnh trong mùa hè, kinh tế Mỹ đang nhanh chóng mất đà. Quý ba có tăng trưởng kỷ lục 33.1% tính theo năm, nhưng hiện JPMorgan dự kiến GDP sẽ chậm lại còn 2.8% trong quý tư và sau đó giảm 1% trong ba tháng đầu năm 2021. Các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt lên mức cao kỷ lục, buộc nước Mỹ phải trở lại với các hạn chế y tế đáng sợ: Các trường công lập ở Thành phố New York đóng cửa một lần nữa trong tuần này, California và Ohio ban hành lệnh giới nghiêm toàn tiểu bang và thậm chí Vườn thú Quốc gia cũng đóng cửa trở lại. Tất cả những bước đi này sẽ tạo thêm áp lực cho nền kinh tế Mỹ. 'Xao lãng nhiệm vụ' Chính phủ liên bang không thể thống nhất về cách giải quyết tình trạng yếu kém của nền kinh tế. Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã nhiều lần không đạt được thỏa thuận về khoản cứu trợ tài chính mới, đặt ra viễn cảnh 12 triệu người Mỹ có thể mất quyền lợi vào cuối năm nay. “Quốc hội đã khiến đất nước thất vọng,” theo David Kotok, Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors. Ian Shepherdson, trưởng kinh tế tại Pantheon Macroeconomics, đã chỉ trích Quốc hội về một "xao lãng nghĩa vụ một cách thật tồi tệ." Bộ Tài chính càng làm tình hình hỗn loạn hơn vào thứ Năm khi bất ngờ rút 455 tỷ USD trong khoản tiền Quỹ Dự trữ Liên bang đang sử dụng cho các chương trình cho vay khẩn cấp. Fed đã đưa ra tuyên bố phản đối động thái này, đánh dấu một cuộc tranh cãi công khai hiếm hoi giữa ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính – ngay trong một cuộc khủng hoảng, không hơn không kém. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết Quốc hội có thể sử dụng những khoản tiền đó để kích thích nền kinh tế, nhưng không có gì đảm bảo có thể đạt được một thỏa thuận. Và đây là thời điểm kỳ lạ để rút đi đạn dược Fed đang dùng để chống lại cuộc khủng hoảng. "Ông Trump lẽ ra đã ký một dự luật trước bầu cử. Bây giờ ông ta không thể đoán trước được và chính phủ quốc gia của chúng tôi dường như đang hỗn loạn," ông Kotok nói. Ngay cả Phòng Thương mại Hoa Kỳ, một tổ chức thường thân thiện với Đảng Cộng hòa, cho rằng quyết định của ông Mnuchin "đặt dấu chấm hết đối với các lựa chọn thanh khoản quan trọng cho các doanh nghiệp vào thời điểm họ cần chúng nhất," và nói thêm điều này "ràng buộc một cách không cần thiết chính quyền mới." Ánh sáng ở cuối đường hầm Tin tốt là những đột phá về y tế cho thấy sự phục hồi kinh tế có thể trở lại đúng hướng vào cuối năm sau. Cả Pfizer (PFE) và Moderna (MRNA) đều công bố kết quả ban đầu cho thấy các ứng cử viên vaccine của họ có hiệu quả khoảng 95% - nhiều hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia. Dù sẽ mất thời gian để phân phối vaccine, nhưng cuối cùng chúng sẽ mang lại cứu cánh cho những thành phần kinh tế bị đè bẹp bởi đại dịch: khách sạn, hãng hàng không, du lịch du thuyền, nhà hàng và rạp chiếu phim. Các nhà kinh tế của JPMorgan viết: “Thành công ban đầu của một số thử nghiệm vaccine quan trọng gia tăng niềm tin của chúng tôi rằng sự can thiệp y tế như thế có thể hạn chế thiệt hại do virus corona gây ra cho nền kinh tế Mỹ”. JPMorgan dự kiến kinh tế sẽ tăng trưởng "chóng mặt" trong quý hai và quý ba, với mức tăng trưởng hàng năm lần lượt đạt 4.5% và 6.5%. Tất nhiên, một số lĩnh vực kinh tế Hoa Kỳ đang bùng nổ. Được thúc đẩy bởi lãi suất thế chấp thấp bất thường và mọi người đổ xô ra các vùng ngoại ô, doanh số bán nhà của Mỹ trong tháng Mười tăng lên mức cao nhất kể từ đỉnh bong bóng năm 2006. Sức mạnh của thị trường nhà ở giúp giảm bớt những khó khăn kinh tế rộng lớn hơn do đại dịch gây ra. Tiêu dùng chậm lại, sa thải tăng Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng lây lan ngày càng tồi tệ của Covid-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Doanh số bán lẻ hầu như không tăng trong tháng Mười và lần đầu tiên kể từ tháng Tư, chi tiêu tại các quán bar và nhà hàng giảm. Lượng đặt chỗ nhà hàng trên OpenTable đạt đỉnh vào giữa tháng Mười và giảm hơn một nửa so với một năm trước. “Các nhà hàng tạm dừng phục hồi trong tháng Mười,” theo Shepherdson của Pantheon. Target (TGT), một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ, đã có một quý thứ ba bùng nổ nhưng cảnh báo đại dịch và nền kinh tế tiềm ẩn những rủi ro thực sự trong tương lai. Raphael Bostic, chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Atlanta, cho rằng các quan chức sẽ "thực sự chú ý" để xem liệu "tình trạng yếu kém" trong chi tiêu bán lẻ có biến thành điều gì đó tồi tệ hơn hay không. Trong khi đó, sự phục hồi trong thị trường lao động đang mất đà - và sẽ chịu áp lực bởi những hạn chế đi lại mới. Lần đầu tiên trong một tháng, số đơn xin thất nghiệp ban đầu đã tăng vào tuần gần nhất. Ở mức 746,000, số đơn xin thất nghiệp ban đầu vẫn cao hơn nhiều so với mức tồi tệ nhất trong cuộc Đại suy thoái. Nền kinh tế Mỹ đã cho thấy sự kiên cường đáng ngạc nhiên - cho đến vài tuần qua. Nhưng giờ đây, Aneta Markowska, trưởng kinh tế tài chính tại Jefferies, lo ngại các ca nhiễm virus corona tăng đột biến và những hạn chế y tế mới nhất sẽ khiến chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, động lực lớn nhất của nền kinh tế, giảm xuống zero trong quý tư. Những lo ngại vĩnh viễn Phố Wall hầu như không lo ngại trước suy thoái kinh tế. Chỉ số Dow đang đảo quanh mức 30,000 và S&P 500 đang trên đà có một trong những tháng tốt nhất trong lịch sử. Các nhà đầu tư đang đổ xô vào các cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ vaccine. Theo bà Markowska: “Nếu bạn là một nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, bạn có thể bỏ qua tình trạng yếu kém ngắn hạn này. Nếu bạn là một nhân viên trong lĩnh vực nhạy cảm với COVID, vaccine vẫn chưa giúp được bạn theo bất kỳ cách nào." Phản ứng ban đầu chưa từng có của Fed, Quốc hội và Nhà Trắng là nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế vĩnh viễn của đại dịch. Các quan chức đã tìm cách tránh phá sản, đóng cửa doanh nghiệp và mất việc làm vĩnh viễn. Tuy nhiên, theo JPMorgan, số lượng việc làm bị mất vĩnh viễn gia tăng đột biến là một "diễn biến đáng lo ngại" vì những người mới thất nghiệp có thể mất nhiều thời gian hơn để tìm việc làm, cộng với nguy cơ hết trợ cấp thất nghiệp. Hy vọng sự phục hồi nhanh hơn trong năm 2021 sẽ hạn chế những tác động xấu đối với nền kinh tế. Mặc dù vậy, "một số thiệt hại lâu dài dường như vẫn không thể tránh khỏi", JPMorgan nói. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|