Thị trường Thứ tư, 18/11/2020, 13:05 GMT+7
Chỉ riêng tin tức về vaccine sẽ không giải quyết được câu đố sản lượng dầu của OPEC

Thị trường dầu có thể đang hoan nghênh triển vọng của vaccine virus corona, nhưng OPEC+ không thể ăn mừng.

nv18 opec

Giá dầu thô đã lên mức cao nhất trong 10 tuần với hy vọng bước đột phá của Pfizer Inc. và BioNTech SE có thể sớm hồi sinh các chuyến bay, những chuyến đi bằng ô tô và các hoạt động kinh tế khác đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu.

Tuy nhiên, liên minh các nhà sản xuất do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu đang thảo luận về việc hoãn tăng nguồn cung họ hy vọng sẽ thực hiện vào tháng Giêng. Nhu cầu dầu hiện đang chịu một cú đánh mới khi đại dịch bùng phát trở lại.

Các bộ trưởng sẽ tập trung vào việc trì hoãn từ ba đến sáu tháng. Họ sẽ tổ chức một cuộc họp tạm thời vào thứ Ba để xem xét thị trường, sau đó đưa ra quyết định cuối cùng sau hai tuần nữa.

Suy giảm đáng sợ

“Đây không phải là thời điểm để tăng nguồn cung dầu thô. Họ thực sự gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hoãn lại. Nhu cầu giảm ở châu Âu thật đáng sợ," theo Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, một cựu quan chức Nhà Trắng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế ở Paris, dù tiến trình sản xuất vaccine làm giảm áp lực đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu, nhưng sẽ không tạo ra sự thúc đẩy đáng kể cho nhu cầu cho đến nửa cuối năm 2021. Trong một báo cáo, OPEC cho rằng suy thoái kinh tế từ làn sóng đóng cửa mới nhất sẽ còn kéo dài.

Liên minh 23 quốc gia từng có ý định giảm một số hạn chế nguồn cung được đưa ra vào tháng Năm để bù cho nhu cầu lao dốc, khôi phục sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào đầu năm tới. Họ đã tăng tương tự trong mùa hè khi kinh tế toàn cầu phục hồi và hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.

Nhưng trong những tuần gần đây, các thành viên OPEC+ thừa nhận những kỳ vọng đó không khả thi. Thay vào đó, các nhà sản xuất dự kiến sẽ giữ mức giảm khoảng 7.7 triệu thùng/ngày - tương đương 8% nguồn cung toàn cầu - lâu hơn một chút.

Cắt giảm quan trọng

Trì hoãn thúc đẩy nguồn cung - và do đó hỗ trợ giá - có thể rất quan trọng đối với các quốc gia OPEC+, nhiều quốc gia cần giá dầu cao hơn nhiều so với mức hiện tại $43/thùng để trang trải chi tiêu chính phủ. Điều này cũng sẽ là cứu cánh cho ngành, từ những công ty lớn như Exxon Mobil Corp. đến những công ty độc lập khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman, ngày 9/11 cho rằng các nhà sản xuất có thể “điều chỉnh thỏa thuận này” theo yêu cầu. Algeria, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của OPEC và Tổng thư ký Mohammad Barkindo của nhóm cũng đưa ra nhận xét tương tự.

Ngay cả Nga, thường miễn cưỡng từ bỏ việc bán dầu, cũng đã phát tín hiệu ủng hộ. Tổng thống Vladimir Putin hôm 22/10 cho rằng trì hoãn là một lựa chọn và thậm chí còn ám chỉ khả năng cắt giảm sản lượng sâu hơn nếu cần. Tuy nhiên cho đến này cắt giảm thêm dường như vẫn chưa cần.

“Họ sẽ luôn nghĩ đến các phong tỏa ở châu Âu và điều đó có ý nghĩa gì đối với nhu cầu. Điều dễ dàng nhất đối với họ, và như Tổng thống Putin đã ra hiệu, là tiến hành," theo Daniel Yergin, phó chủ tịch của IHS Markit

Dù Ủy ban Giám sát Bộ trưởng hỗn hợp họp vào thứ Ba sẽ không đưa ra chính sách, Riyadh và Moscow có thể đưa ra một số thông tin chi tiết về lập trường của họ trước các cuộc họp cấp bộ trưởng chính từ ngày 30/11 đến ngày 1/12. Cùng lúc sẽ có các cập nhật về các loại vaccine khác nhau đang được các công ty dược phẩm phát triển.

Vấn đề nguồn cung

Nhu cầu suy giảm không phải là vấn đề đau đầu duy nhất đối với liên minh mà còn phải tính đến nguồn cung gia tăng đáng ngạc nhiên từ một trong những thành viên của chính họ.

Libya, quốc gia được miễn thực hiện thỏa thuận hạn chế sản xuất, đã phục hồi sản lượng lên mức cao nhất trong gần một năm sau khi cuộc nội chiến tạm dừng. Quốc gia Bắc Phi này đã tăng gấp ba lần nguồn cung lên 450,000 thùng/ngày vào tháng trước và hiện đang bơm lên trên 1 triệu thùng/ngày.

Kéo dài hạn chế nguồn cung, dù rất thuyết phục, vẫn có thể vấp phải phản đối.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vốn gần đây đã tuân theo các cam kết OPEC, ngày 9/11 nhấn mạnh sự đồng thuận là cần thiết để thỏa thuận được sửa đổi. “Tất cả chúng ta phải tin chắc rằng điều chỉnh là cần thiết,” Bộ trưởng Năng lượng Suhail Al Mazrouei nói.

Một điểm đáng chú ý có thể là một số thành viên còn đến hàng triệu thùng dầu cần phải cắt giảm, được cho là sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Các quốc gia OPEC+ đã bỏ qua hạn ngạch sản lượng trong những tháng đầu tiên của thỏa thuận, chẳng hạn như Iraq và Nigeria, có nhiệm vụ “cắt giảm bồi thường”. Sau khi thực hiện một số nỗ lực cắt giảm, Baghdad lại tăng xuất khẩu trở lại vào tháng trước.

Iraq thường phản đối các giới hạn nguồn cung của OPEC khi nước này xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ và nền kinh tế tan hoang bởi nhiều thập kỷ xung đột và các lệnh trừng phạt.

Khi tình hình tài chính của Baghdad gặp khó khăn nghiêm trọng, các đại biểu của OPEC nghi ngờ nước này sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ. Với việc Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia kiên quyết tất cả các khoản nợ còn lại phải được thanh toán, OPEC có thể phải đối mặt với một con đường gập ghềnh để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Phong Lữ lược dịch
Theo World Oil

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1