Thị trường Thứ ba, 03/11/2020, 12:07 GMT+7
Châu Âu có thể đang đối mặt với một cuộc suy thoái kép

Sau khi tăng trưởng GDP kỷ lục trong quý ba, châu Âu có nguy cơ rơi thẳng trở lại vào suy thoái do các hạn chế sâu rộng nhằm kiềm chế làn sóng virus corona thứ hai, nhanh chóng chấm dứt đợt phục hồi mong manh của châu lục này.

nv3 eu

Cơ quan thống kê Eurostat cho biết tổng sản phẩm quốc nội của EU đã tăng 12.1% từ tháng Bảy đến tháng Chín. GDP tăng 12.7% ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro. Khoản tăng trưởng này, theo sau khoản sụt giảm lớn trong quý thứ hai, là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995.

Tuy nhiên, nền kinh tế EU vẫn kém hơn khoảng 4% so với hồi cuối tháng Chín năm ngoái và các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi sẽ diễn ra trong thời gian ngắn.

“Thật khó để nghĩ đến một dịp khi những 'tin tốt lành' như thế lại không được hoan nghênh nhiều. Làn sóng các hạn chế vì virus corona thứ hai sắp đẩy khu vực đồng tiền chung vào một cuộc suy thoái kép,” theo Andrew Kenningham, trưởng kinh tế Châu Âu tại Capital Economics.

Các chính phủ ở Đức và Pháp, những nền kinh tế lớn nhất khu vực, hôm 28/10 đã thông báo phong tỏa vì virus corona trên toàn quốc, đóng cửa các doanh nghiệp và nhà hàng không thiết yếu trong vài tuần. Italy đã thông báo phong tỏa một phần, bao gồm đóng cửa các quán bar và nhà hàng lúc 6 giờ chiều, nhưng nước này có thể thực thi các hạn chế trên diện rộng nếu tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.

Nước Pháp đã "bước vào đợt suy giảm thứ hai" sau khi GDP quý ba tăng kỷ lục 18.2% và triển vọng phục hồi đáng kể vào năm 2021 đang "xấu đi nhanh chóng," theo Charlotte de Montpellier, nhà  kinh tế của ING. "Thật không may, số liệu của quý thứ ba đã là quá khứ và sự phục hồi đã kết thúc", bà viết trong một ghi chú nghiên cứu vào thứ Sáu.

Villeroy de Galhau, thống đốc ngân hàng trung ương Pháp, cho biết ông dự kiến GDP sẽ giảm thêm một lần nữa trong quý tư, "dù hy vọng suy giảm ít nghiêm trọng hơn” vào mùa xuân.

Trường học và một số cơ sở làm việc sẽ vẫn mở cửa ở Đức và Pháp, cũng như các lĩnh vực như xây dựng và sản xuất, bù đắp một phần mức độ suy giảm GDP.

Một yếu tố giảm nhẹ khác là các nền kinh tế vốn đã rơi vào tình trạng ảm đạm, chưa thể phục hồi hoàn toàn sau những đợt suy giảm lịch sử trong quý hai, điều này có nghĩa GDP giảm tiếp sẽ tương đối ít nghiêm trọng hơn.

Kinh tế Đức tăng trưởng 8.2% từ tháng Bảy đến tháng Chín, nhưng giảm 4.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Tây Ban Nha, nơi GDP tăng 16.% trong quý ba, nền kinh tế giảm 8.7% so với cùng kỳ năm 2019. Kinh tế Italy phục hồi 16.1% trong quý ba, nhưng giảm 4.7% so với năm trước.

Ngay cả trước khi các phong tỏa được công bố, hoạt động kinh doanh ở châu Âu đã đi xuống, theo Chỉ số nhà quản lý mua hàng mới nhất của IHS Markit.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho rằng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đã khiến triển vọng kinh tế ngắn hạn "xấu đi rõ rệt."

Theo bà Lagarde, “Thông tin sắp tới báo hiệu rằng phục hồi kinh tế khu vực đồng euro đang mất đà nhanh hơn dự kiến sau khi hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhưng chỉ từng phần và không đồng đều trong những tháng mùa hè.”

Bà tỏ dấu hiệu ECB sẵn sàng hành động để hỗ trợ kinh tế và cho biết ngân hàng trung ương đang kiểm tra tất cả các công cụ tiềm năng. Chính phủ cũng có thể được kêu gọi tăng chi tiêu.

Theo Kenningham của Capital Economics, “Tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các nhà hoạch định chính sách chính là cách thức hiệu quả nhất để chống lại đòn giáng từ một đợt phong tỏa nữa là hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa, có thể bao gồm cả chuyển tiền mặt một lần cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.”

Tỷ lệ thất nghiệp của EU ổn định trong tháng Chín ở mức 8.3%, theo Eurostat, nhưng ông Kenningham cảnh báo thị trường lao động có khả năng "sẽ ngày càng chịu áp lực trong những tháng tới."

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1