Nước Anh và EU cố gắng cứu vãn các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit |
Nước Anh và Liên minh châu Âu vào thứ Hai, 19/10, sẽ cố gắng thổi sức sống cho các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit vốn dường như đã chấm dứt vào tuần trước, mỗi bên đều nói bên kia cần phải thay đổi về cơ bản. Vào thứ Sáu, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói không có lý do gì để tiếp tục các đàm phán và đã đến lúc chuẩn bị cho cuộc ra đi ‘không có thỏa thuận’ khi các thỏa thuận chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31/12. Nhưng Michael Gove, một trong những bộ trưởng cấp cao của ông, có giọng điệu ôn hòa hơn vào Chủ nhật, nói rằng cánh cửa cho một thỏa thuận vẫn để ngỏ nếu EU sẵn sàng thỏa hiệp. Trưởng đoàn đàm phán EU, Michel Barnier, lẽ ra đã có mặt tại London để đàm phán với người đồng cấp Anh David Frost trong tuần này. Thay vào đó, họ sẽ nói chuyện qua điện thoại vào thứ Hai, thảo luận về cấu trúc của các đàm phán trong tương lai, người phát ngôn của ông Barnier cho biết. Các cuộc đàm phán đổ vỡ vào thứ Năm khi Liên minh châu Âu cho rằng Anh cần phải nhượng bộ. Các vấn đề vẫn phải giải quyết gồm những quy tắc cạnh tranh bình đẳng, giải quyết tranh chấp và nghề cá. Vào Chủ Nhật ông Gove cho rằng EU đã lãng phí một số tiến bộ đã đạt được bởi khối này không sẵn sàng tăng cường đàm phán hay đưa ra các văn bản pháp lý chi tiết. Khi được hỏi liệu ông Barnier có nên đến London hay không, ông Gove nói rằng quả bóng đang ở "phần sân của ông ta". Các nhà ngoại giao và quan chức EU xem động thái của ông Johnson chỉ là lời nói suông, xem đó là một nỗ lực nhằm đảm bảo những nhượng bộ trước thỏa thuận vào phút cuối được thực hiện và các lãnh đạo châu Âu đã yêu cầu ông Barnier tiếp tục đàm phán. “MỘT THỎA THUẬN, NHƯNG KHÔNG PHẢI VỚI BẤT KỲ GIÁ NÀO” Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cả hai bên cần thỏa hiệp. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nước Anh cần một thỏa thuận Brexit hơn 27 quốc gia EU, vốn vẫn đoàn kết. Ông Macron nói: “Chúng tôi sẵn sàng cho một thỏa thuận, nhưng không phải với bất kỳ giá nào.” Một cái kết “"không thỏa thuận” cho cuộc khủng hoảng Brexit kéo dài năm năm của Vương quốc Anh sẽ làm gián đoạn hoạt động của các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nông dân và gần như mọi lĩnh vực khác – ngay trong thời điểm ảnh hưởng kinh tế vì đại dịch virus corona ngày càng trầm trọng hơn. “Đó không phải là kết cục mong muốn của tôi,” ông Gove nói trong một bài báo trên tờ Sunday Times. “Nhưng nếu sự lựa chọn là giữa những thỏa thuận trói tay chúng ta vô thời hạn, hoặc chúng ta có thể định hình tương lai của chính mình, thì không phải là lựa chọn gì cả. Và ra đi theo kiểu Úc là điều chúng tôi ngày càng sẳn sàng hơn." Các nhà phê bình nói một thỏa thuận “kiểu Úc” chỉ đơn giản là cách nói không có thỏa thuận nào với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh. Tuần này, nước Anh sẽ phát động chiến dịch kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh chuẩn bị cho một cuộc ra đi không có thỏa thuận. Trong một tuyên bố đi kèm, ông Gove nói: "Đừng nhầm lẫn, sẽ có những thay đổi chỉ trong 75 ngày và thời gian không còn nhiều để các doanh nghiệp hành động." Hơn 70 nhóm kinh doanh của Anh đại diện cho hơn 7 triệu công nhân vào Chủ Nhật đã kêu gọi các chính trị gia quay lại bàn đàm phán vào tuần tới và đạt được một thỏa thuận. “Một thỏa thuận có thể được thực hiện với sự thỏa hiệp và kiên trì. Các doanh nghiệp kêu gọi lãnh đạo hai bên tìm ra con đường thông suốt,” họ nói. Khánh Lâm lược dich
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|