Thị trường Thứ năm, 17/09/2020, 10:18 GMT+7
OECD dự đoán GDP toàn cầu sẽ giảm 4.5% trong năm nay

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào thứ Tư, 16/9, cảnh báo, kinh tế toàn cầu đã biểu hiện tốt hơn mong đợi nhưng sản lượng vẫn đang trên đà sụt giảm “chưa từng có”.

sp17 oecd1

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD cho biết kinh tế thế giới sẽ giảm 4.5% trong năm nay - điều chỉnh tăng so với ước tính được đưa ra vào tháng Sáu cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 6%.

Theo OECD, “Sản lượng toàn cầu sụt giảm trong năm 2020 nhỏ hơn dự kiến, dù vẫn chưa từng có trong lịch sử gần đây”.

Trong tương lai, OECD dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng “vẫn chưa đặc biệt chắc chắn” do đại dịch virus corona.

Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như ngành du lịch và lữ hành, vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hồi đầu năm. Nhiều quốc gia đang vật lộn với số các ca nhiễm gia tăng. Do đó, các nhà chức trách có thể đưa ra các hạn chế mới trong những tuần tới để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới - gây thêm áp lực lên kinh tế toàn cầu.

“Sản lượng tăng nhanh chóng sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế và doanh nghiệp mở cửa trở lại, nhưng tốc độ phục hồi toàn cầu đã mất đi một số động lực trong những tháng mùa hè,” OECD cho biết.

Tổ chức có trụ sở tại Paris, một cơ quan liên chính phủ nhằm mục đích kích thích phát triển kinh tế, cũng cảnh báo về “những khác biệt đáng kể” giữa các quốc gia khác nhau.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và khu vực đồng euro dự kiến sẽ hoạt động tốt hơn so với dự báo ban đầu vào tháng Sáu. Trong khi đó, kỳ vọng tăng trưởng đối với Ấn Độ, Mexico và Nam Phi đã xấu đi.

Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng 1.8% trong năm 2020 - quốc gia duy nhất trong số các nước OECD ước tính sẽ có tăng trưởng.

Ngược lại, kinh tế Hoa Kỳ dự kiến giảm 3.8% và khu vực đồng euro là 7.9%.

Bức tranh thậm chí còn tồi tệ hơn đối với Ấn Độ, Argentina, Anh, Nam Phi và Mexico, tất cả đều được dự báo sẽ lao dốc hơn 10%.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1