Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể làm chệch hướng các nỗ lực giải quyết những thách thức toàn cầu |
Một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể có những hậu quả “thảm khốc” đối với thế giới, quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc sẽ khiến việc giải quyết những thách thức toàn cầu rất khó khăn như biến đổi khí hậu và chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Phát biểu tại buổi khai mạc Diễn đàn Bo’ao châu Á vào thứ Ba, 10/4, ông Lý mô tả Washington và Bắc Kinh “có mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới” và cảnh báo một cuộc chiến thương mại “nhất định sẽ gây tổn hại cho những mối quan hệ song phương này trong nhiều lĩnh vực.” “Chắc chắn điều này sẽ khiến hai quốc gia khó hợp tác hơn trong các vấn đề biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh khu vực và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Không vấn đề nào có thể được giải quyết mà không có sự tham gia toàn diện của cả hai quốc gia,” ông Lý nói trong lần hiện diện đầu tiên tại hội thảo thường niên tổ chức ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc. “Và nếu tranh chấp leo thang, làm mất ổn định quan hệ Mỹ - Trung, hậu quả đối với thế giới có thể rất thảm khốc,” ông nói thêm. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đe dọa áp thêm thuế lên hàng xuất khẩu của nhau trong tuần trước, làm xáo động các thị trường toàn cầu và dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên đến mức cao nhất từng được ghi nhận trong năm ngoái, khiến chính quyền ông Trump đe dọa áp một khoản thuế ‘khủng’ 25% lên hơn 1,300 mặt hàng xuất khẩu nhập khẩu của Trung Quốc, như các TV màn hình phẳng, thiết bị y tế, linh kiện máy bay và pin. Trung Quốc đáp trả với những khoản thuế dự kiến trị giá 50 tỷ USD đối với đậu nành, ô tô, hóa chất và những hàng hóa khác của Mỹ. Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long chỉ ra rằng tập trung vào mất cân bằng thương mại Mỹ - Trung là ‘không đúng chổ,” ông nói thêm: Điều quan trọng đối với một quốc gia không phải là cân bằng thương mại với một đối tác thương mại cụ thể mà là cân bằng thương mại chung của nước này đối với toàn thế giới. “Hơn nữa, điều gây ra thâm hụt thương mại là sự mất cân bằng trong kinh tế quốc nội, và đặc biệt, điều này xảy ra khi một quốc gia tiêu dùng nhiều hơn sản xuất.” Singapore không tin rằng áp thuế là một giải pháp đúng đắn, ông Lý nói. Ông là một trong bảy diễn giả phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Bo’ao vào thứ Ba. Ông cho rằng những biện pháp đơn phương không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và kêu gọi Washington và Bắc Kinh giải quyết các tranh chấp thương mại trong khuôn khổ hoạt động của tổ chức thương mại toàn cầu này. Dù vậy, ông Lý thừa nhận những biện pháp trả đũa như thế nhận được “nhiều sự ủng hộ chính trị” ở Mỹ, đặc biệt do nhận thức của các công ty Mỹ rằng họ không được đối xử bình đẳng khi tiếp cận một số phần trong thị trường Trung Quốc. “Những thỏa thuận thương mại và nhượng bộ được lập ra trước kia khi Trung Quốc chỉ chiếm 5% GDP thế giới, nay ít được sẳn lòng chấp nhận hơn, khi Trung Quốc chiếm đến 15% GDP thế giới và con số này được dự kiến sẽ còn tăng thêm. Những công ty Mỹ trước kia ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 hiện đang cảm thấy bất lợi,” ông Lý nói. Về phía Trung Quốc, nước có ảnh hưởng kinh tế toàn cầu gia tăng đáng kể từ khi tham gia WTO năm 2001, ông Lý lưu ý nhiều quốc gia ngày càng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tự do hóa hơn nữa thị trường của mình vào đóng góp vào hệ thống thương mại đa phương. “Thực sự, bản thân Trung Quốc nhận thức được họ được lợi lớn từ toàn cầu hóa và sẽ đánh mất điều này nếu trật tự đa phương, dựa trên các quy tắc bị ảnh hưởng,” ông nói thêm. Dù vậy, ông Lý đánh giá một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “vẫn còn lâu mới buộc phải xảy ra”, và kêu gọi hai nước “thỏa hiệp và ngăn chặn căng thẳng leo thang.” Ông cũng thể hiện sự lạc quan Bắc Kinh sẽ xử lý tốt các quan hệ quốc tế trong thời kỳ khó khăn này với tầm nhìn chiến lược và lâu dài. “Lợi ích căn bản của Trung Quốc chính là đóng góp thêm để củng cố cho thể chế đa phương, phù hợp với ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của họ trên thế giới,” ông nói. “Và điều quan trọng là Trung Quốc làm thế, trong thời điểm thử thách các mối quan hệ quốc tế này.” Khánh Lâm lược dịch
Theo Today Online
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|