Thị trường Thứ sáu, 17/11/2017, 09:06 GMT+7
Sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ có thể tăng đến 25% đến năm 2025

Hoa Kỳ có thể trông đợi thêm nhiều năm bùng nổ dầu và khí đốt chưa từng có nữa.

n17 america

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào thứ Ba, 14/11, dự báo sản xuất từ đá phiến tăng mạnh tại Mỹ sẽ đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới vào giữa những năm 2020.

Một cột mốc nữa sẽ nhanh chóng được đạt đến sau đó: Đến cuối những năm 2020, Hoa Kỳ - nước chỉ vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu trong năm 2015 – sẽ xuất khẩu nhiều dầu sang các thị trường nước ngoài hơn là nhập khẩu vào.

Những chuyển đổi mạnh mẽ được IEA hình dung trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Toàn cầu sẽ đưa Hoa Kỳ từ nước nhập khẩu năng lượng trở thành một đối thủ lớn trong các thị trường toàn cầu, có khả năng sản xuất 30 triệu thùng dầu và khí đốt mỗi ngày đến năm 2025.

Hoa Kỳ đã vượt qua Nga vào năm 2011 để trở thành quốc gia sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu, với sản lượng hiện tại hàng ngày lên đến 24 triệu thùng. Tuy nhiên, khoản tăng dự kiến trong tương lai sẽ đưa nước Mỹ tiến xa hơn chưa từng có.

Đây là cuộc cách mạng được nuôi dưỡng bởi một yếu tố nằm trên tất cả: đá phiến.

“Khả năng vượt trội khai phá những nguồn tài nguyên mới với chi phí hiệu quả đã đưa sản lượng dầu và khí đốt chung của Mỹ lên cao hơn 50% so với bất kỳ quốc gia nào,” theo IEA.

IEA dự đoán các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ đẩy sản lượng của họ lên thêm 8 triệu thùng mỗi ngày từ năm 2010 đến năm 2025, sự gia tăng “ứng với thời kỳ sản lượng dầu tăng trưởng được duy trì cao nhất chỉ ở một quốc gia trong lịch sử các thị trường dầu” – thách thức cả lần gia tăng khổng lồ của Saudi Arabia từ năm 1966 đến năm 1981.

Khoản tăng mạnh dự kiến của Mỹ sẽ chiếm 80% mức tăng nguồn cung toàn cầu cùng kỳ.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã buộc phải chịu đựng đợt suy giảm khiến giá dầu thô từ $100/thùng trong năm 2014 xuống còn $26 trong năm 2016. Giá giảm khiến nhiều nhà sản xuất không có lợi nhuận và hàng chục ngàn công việc không còn.

Tuy nhiên, giá lao dốc lại có một hiệu ứng khác: Điều này thúc đẩy một làn sóng đổi mới cải thiện năng suất và hiệu quả của các nhà sản xuất dầu đá phiến.

“Ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã tránh được cú đòn bằng cách trở nên tinh gọn và linh hoạt hơn; ngành đã chứng tỏ sự kiên cường đáng nể trước những mức giá thấp hơn,” theo IEA.

Báo cáo cũng bao gồm nhiều cảnh báo: Trong khi Hoa Kỳ trở thành nước xuất khẩu dầu thô nhẹ và các phẩm dầu tinh luyện lớn, họ vẫn là nước nhập khẩu dầu thô nặng hơn dùng cho nhiều nhà máy lọc dầu của mình.

“Thậm chí khi chuyển sang vị thế xuất khẩu ròng, sức khỏe của nền kinh tế năng lượng Mỹ vẫn liên kết đan xen với những nền kinh tế năng lượng của những người láng giềng ở Bắc Mỹ và với những lựa chọn từ những quốc gia ở xa hơn.”

Các dự báo cũng được củng cố bằng một số giả định: Báo cáo giả định các chính phủ sẽ giữ lời hứa về năng lượng, trong đó có các lời hứa dần xa rời các nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại Mỹ, báo cáo giả định những cải thiện trong các tiêu chuẩn kinh tế năng lượng đối với với ô tô và xe tải sẽ giúp giảm nhu cầu về dầu. Nếu những tiêu chuẩn vẫn ở mức như hiện nay, Hoa Kỳ sẽ vẫn là nước nhập khẩu dầu trong năm 2040.

Nếu những giả định này đứng vững, Hoa Kỳ sẽ ở vào một vị thế khá hiếm có.

“Có nhiều ví dụ về một quốc gia chuyển từ xuất khẩu năng lượng ròng sang nhập khẩu năng lượng ròng; rất hiếm trường hợp ngược lại đặc biệt khi quốc gia được nói đến là một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.”

“Tuy vây, đây chính xác là điều đang diễn ra nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ - cả đối với dầu và khí đốt tự nhiên,” theo IEA.

Trường Sơn lược dịch
Theo CNN Money

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1