Thị trường Thứ tư, 17/04/2019, 09:29 GMT+7
Châu Âu sẳn sàng đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng các cuộc thảo luận có thể đã sụp đổ

Châu Âu sẳn sàng nối lại các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ về một hiệp ước thương mại xuyên Đại Tây Dương. Nhưng những thảo luận này có thể đã tiêu tan.

ap17 eu

Vào thứ Hai, 15/4, các quốc gia thành viên EU đã bỏ phiếu mở các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ bất chấp phản đối từ Pháp, nước phản đối quan điểm của Mỹ về biến đổi khí hậu và có thể khiến thỏa thuận cuối cùng thất bại.

Cecilia Malmström, quan chức thương mại hàng đầu của châu Âu, cho biết bà sẽ liên lạc với chính phủ Trump “ngay khi họ thức dậy” để thông báo về kết quả này.

“Chúng tôi sẳn sàng bắt đầu đàm phán bất kỳ khi nào họ sẳn sàng,” bà nói thêm.

Tuy nhiên, bất đồng về vấn đề nông nghiệp có thể khiến các thảo luận đi trệch hướng trước khi chúng bắt đầu. Liên minh châu Âu cho rằng vấn đề nông nghiệp sẽ không phải là chủ đề thảo luận, trong khi Hoa Kỳ nhất định đây phải là một phần trong các cuộc đàm phán.

Sự chia rẽ càng nhấn mạnh thêm mức độ khó khăn trong nhiệm vụ của các nhà đàm phán, cũng như lịch sử rối rắm của các đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Âu. Nỗ lực mới nhất cho một thỏa thuận thương mại lớn – TTIP – kết thúc trong bế tắc năm 2016.

“Tôi cho rằng rằng phía châu Âu sẽ miễn cưỡng khi từ chối thảo luận, nhưng các trở ngại đối với một thỏa thuận thành công còn lớn hơn dưới thời Tổng thống Obama,” theo Peter Holmes, một chuyên gia thương mại và là giảng viên kinh tế tại Đại học Sussex.

Phản đối ở Paris

Có khá nhiều rủi ro. Thương mại hàng hóa và dịch vụ EU- Hoa Kỳ trị giá hơn 1.1 ngàn tỷ mỗi năm. Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rõ quan điểm của ông về các cuộc thảo luận: châu Âu không nên đàm phán một thỏa thuận thương mại với quốc gia không phải là thành viên của Hiệp ước Paris 2015 về khí hậu.

“Đây là vấn đề về giá trị: Châu Âu phải làm gương và vững vàng trong việc bảo vệ khí hậu,” một phát ngôn viên của ông Macron nói trong một tuyên bố.

Năm 2017 tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước. Ông Macron lập luận sẽ không công bằng nếu chỉ một bên trong thỏa thuận thương mại tuân theo các quy định môi trường nghiêm ngặt đã được thỏa thuận ở Paris. Nước Pháp bỏ phiếu chống mở lại các cuộc đàm phán thương mại vào thứ Hai, nhưng bị áp đảo bởi đa số các quốc gia thành viên châu Âu.

Dù Pháp không thể ngăn các cuộc thảo luận thương mại với Hoa Kỳ bắt đầu, họ có thể ngăn bất kỳ thỏa thuận nào đạt được. Tất cả các quốc gia thành viên châu Âu phải ký kết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào do khối đàm phán.

“Cuộc chiến sẽ phải tiếp tục, đặc biệt trong Quốc hội châu Âu, nếu không không thỏa thuận thương mại nào có thể được phê duyệt sau các cuộc đàm phán,” theo người phát ngôn của ông Macron.

Vấn đề nông nghiệp

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vốn đã bất đồng về việc liệu nông nghiệp có nên được đưa vào các cuộc thảo luận thương mại hay không.

Liên minh châu Âu rất bảo vệ cho ngành nông nghiệp được trợ cấp rất nhiều của mình. Trong khi Hoa Kỳ muốn bỏ các thuế suất và bán sản phẩm nông nghiệp ở châu Âu.

Đây là vấn đề khá nhạy cảm ở nhiều nơi ở châu Âu, nơi các cử tri lo ngại một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ có thể mở cửa cho các cây trồng biến đổi gen hoặc thịt gà được rửa bằng clo.

Hoa Kỳ khẳng định nếu châu Âu muốn một thỏa thuận, họ phải đưa nông nghiệp vào đàm phán.

“Chúng tôi làm việc trong những vấn đề khác với ý thức rằng sẽ không có bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại nào mà không có nông nghiệp,” Đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer nói vào tháng trước.

Trong khi đó, các quan chức EU cho rằng nông nghiệp chưa bao giờ nằm trên bàn đàm phán.

Theo họ, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, đến thăm Nhà Trắng vào năm ngoái, ông này và ông Trump chỉ đồng ý hướng đến xóa bỏ thuế và các hàng rào thương mại đối với những “hàng hóa không thuộc ngành ô tô.”

Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo khi đó không đề cập đến nông nghiệp. Vào thứ Hai, bà Malmström trích lại tuyên bố này khi nói rằng nông nghiệp sẽ không được thảo luận.

Căng thẳng gia tăng

Các bất đồng theo sau một một loạt tranh chấp giữa Hoa Kỳ và châu Âu về thương mại.

Đầu tuần này, chính quyền ông Trump đe dọa áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa châu Âu vì các trợ cấp cho máy bay. Ủy ban châu Âu nói họ sẽ trả đũa.

Ông Trump cũng đang xem xét liệu có áp thuế đến 25% lên xe nhập khẩu từ châu Âu hay không, một quyết định có hạn chót vào giữa tháng Năm.

Ông đã áp thuế lên thép và nhôm xuất khẩu của châu Âu. Châu Âu trả đũa với các khoản thuế đánh lên hơn 3 tỷ USD hàng hóa Mỹ như xe gắn máy, nước cam, rượu bourbon, thuốc lá và denim.

Khánh Lâm lược dịch

 

Theo CNN      

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1