Châu Á sẽ cảm nhận tác động nếu các cấm vận của Mỹ loại bỏ nguồn dầu xuất khẩu của Iran |
Các nền kinh tế lớn nhất châu Á đang tranh nhau tìm kiếm nguồn dầu mới sau khi Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không cấp các miễn trừ đối với các cấm vận áp đặt lên dầu thô Iran nữa. Năm ngoái chính quyền Trump đã tái áp đặt cấm vận lên dầu Iran nhưng ngay lập tức cấp miễn trừ cho Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan, cũng như Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Những miễn trừ này sẽ hết hạn vào ngày 2/5. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu Iran lớn nhất và Ấn Độ, là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Châu Á tiêu thụ dầu nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác, chiếm hơn 35% nhu cầu toàn cầu. Họ sẽ chuyển sang ai? Một số quốc gia được cấp miễn trừ đã tìm được nguồn cung thay thế. Italy, Hy Lạp và Đài Loan đã không nhập bất kỳ thùng dầu Iran nào từ tháng 11, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trích số liệu từ Kpler, một công ty theo dõi các lô hàng dầu. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn đang mua dầu Iran. Ấn Độ, chẳng hạn, dường như có kế hoạch thay lượng dầu Iran sẽ mất đi. “Có các nguồn cung bổ sung từ những quốc gia sản xuất dầu lớn,” theo Bộ trưởng Xăng dầu Ấn Độ, ông Dharmendra Pradhan, viết trên Twitter vào thứ Ba, 23/4. Một số có thể đến từ Mỹ, hoặc những đối thủ lớn của Iran trong OPEC. Vào thứ Hai, chính quyền Trump tỏ dấu hiệu Hoa Kỳ, Saudi Arabia và United Arab Emirates sẽ đảm bảo “các thị trường dầu sẽ vẫn được cung cấp đầy đủ.” Nhưng không cho biết chi tiết. Bộ trưởng dầu Saudi, ông Khalid al-Falih, cho biết vương quốc này sẽ phối hợp với các nhà sản xuất khác “để đảm bảo có đủ dầu” và “các thị trường dầu sẽ không bị mất cân bằng.” Điều này có thể nói dễ hơn làm. Iran xuất khẩu khoản 1.4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng Ba và Hoa Kỳ muốn đưa con số này xuống zero. Iman Nasseri, giám đốc khu vực Trung Đông tại hãng tư vấn Facts Global Energy, ước tính Saudi Arabia và UAE có thể thay thế cho một triệu thùng dầu thu bị mất từ Iran. Hoa Kỳ cũng có thể giúp lấp khoảng trống còn lại. Sản xuất của Mỹ đã tăng thêm 1.6 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và đang tăng thêm trong năm nay. Ông Nasseri nói thêm, lỗ hổng có thể nhỏ hơn nhiều người e ngại. “Tùy thuộc vào Iran có thể xoay sở để bán ngoài các miễn trừ hoặc đưa lậu vào các thị trường khác bao nhiêu, khoản trống có thể thấp ở mức 500 triệu thùng/ngày và cao đến mức 1 triệu thùng/ngày,” ông nói. Họ có tuân theo các cấm vận của Mỹ không? Chính phủ Mỹ cảnh báo tất cả những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu Iran sẽ chịu các trừng phạt của Mỹ. Không phải tất cả đều phản ứng tốt trước những đe dọa này. Bắc Kinh phản đối kịch liệt tuyên bố của chính quyền Mỹ, rằng họ “phản đối các cấm vận đơn phương.” Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ đã gặp khó khăn để tuân thủ các cấm vận của Mỹ vì các nhà máy lọc dầu của nước này được xây dựng đặc biệt để xử lý dầu thô từ Iran. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu viết trên Twitter, “Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các cấm vận đơn phương và áp đặt lên cách thức thực hiện các quan hệ với các nước láng giềng.” Những quốc gia không tuân thủ yêu cầu từ Mỹ có thể đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. “Các trừng phạt kinh tế từ Hoa Kỳ có thể làm tổn hại các dòng chảy thương mại của họ, khả năng tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu, và cuối cùng là đồng tiền và nền kinh tế,” theo Russ Mould, giám đốc đầu tư tại AJ Bell. Đầu tháng này, Standard Chartered đã phải trả khoản tiền phạt khổng lồ để giải quyết các cáo buộc họ liên tục vi phạm các cấm vận với Iran và những quốc gia khác. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei cũng bị cáo buộc tại Mỹ vì vi phạm các cấm vận với Iran. Tháng trước tập đoàn này tuyên bố họ không vi phạm. Các thị trường dầu giờ sẽ ra sao? Hoa Kỳ cho biết các cấm vận sẽ tiếp tục cho đến khi Iran dừng “theo đuổi vũ khí hạt nhân.” Áp lực này đang gia tăng quan ngại về vấn đề nguồn cung trong thị trường dầu. Các lô hàng dầu của Venezuela đã bị các cấm vận Mỹ quét sạch. Bạo lực đang làm rung chuyển Libya, một nước sản xuất khác của OPEC. Thay thế dầu Iran sẽ khiến các nước sản xuất có ít không gian để phản ứng trước các cú shock nguồn cung trong tương lai. “Vấn đề là họ sẽ có rất ít năng lực dự trữ cho một tình huống khẩn cấp hoặc bất kỳ khủng hoảng nào trong thị trường về phía nguồn cung,” theo Nasseri của Facts Global Energy. Giá dầu đã phản ứng với mối đe dọa nguồn cung thắt chặt hơn. Giá dầu Mỹ đã tăng gần 3% vào thứ Hai lên $65.70/thùng. Con số này đại diện cho khoản tăng 54% kể từ khi giá dầu đóng cửa ở mức $42.53/thùng vào Đêm trước Giáng Sinh năm ngoái. Dầu thô Brent, giá chuẩn toàn cầu, cũng tăng gần 3% vào thứ Hai và chạm mốc $74 lần đầu tiên từ đầu tháng. Cả hai mức giá đều tăng thêm vào thứ Ba. “Dù có thể còn quá sớm… để dự đoán giá dầu đang tiến đến mốc $100, giá dầu thô Mỹ có khả năng đang chuẩn bị hướng đến mục tiêu $70 nếu các quan ngại về nguồn cung thắt chặt trong các thị trường dầu toàn cầu vẫn là chủ đề chính,” theo Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu tại FXTM, London. Thậm chí giá dầu cao hơn có thể tạo thêm gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ. “Khi nhiều ngành phụ thuộc vào giá năng lượng cảm nhận được tác động từ giá dầu cao hơn, hiệu ứng domino có khả năng sẽ làm trầm trọng thêm những tổn hại kinh tế của các quốc gia châu Á, vốn đang hứng chịu một đợt suy giảm,” ông Otunuga nói thêm. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|