Thị trường Thứ ba, 08/05/2018, 09:44 GMT+7
Iran phản đối giá dầu cao hơn, tỏ dấu hiệu chia rẽ với Saudi

Iran, đối mặt với khả năng lại chịu cấm vận từ Mỹ, công khai phản đối giá dầu cao hơn, tỏ dấu hiệu bất đồng với Saudi Arabia, một thành viên của OPEC, quốc gia đang cho thấy họ sẳn sàng tiếp tục thắt chặt thị trường dầu.

m8 iran

“Giá phù hợp” cho dầu thô là từ $60-$65/thùng, theo Amir Hossein Zamaninia, thứ trưởng dầu mỏ về các vấn đề thương mại và quốc tế, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào Chủ Nhật, 6/5 tại Tehran. Bộ trưởng dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh trước đó cho biết Iran ủng hộ các mức giá “hợp lý” và ủng hộ giá dầu thô đắt đỏ hơn.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn đã tăng lên gần $75/thùng vào thứ Sáu khi các bên giao dịch chuẩn bị cho khả năng Mỹ tái áp đặt cấm vận lên Iran. Saudi Arabia, đối thủ của Iran trong khu vực Vùng Vịnh được biết muốn giá dầu gần mức $80/thùng, một phần để hỗ trợ cho việc bán cổ phần trong công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Aramco. Các quốc gia OPEC vẫn tiếp tục đối đầu trong các cuộc xung đột từ Syria đến Yemen.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) sẽ họp vào tháng sau tại Vienna. Cùng với những nước sản xuất đồng minh khác, OPEC bắt đầu giảm sản xuất dầu vào năm ngoái trong nỗ lực loại bỏ tình trạng thừa cung toàn cầu. Các khoản cắt giảm đã xóa bỏ được lượng dầu dự trữ thặng dư, và giá lên gần mức cao trong ba năm. Thậm chí như thế, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vẫn thúc giục các quốc gia thành viên tiếp tục hạn chế sản xuất.

Theo ông Zanganeh, giá dầu liên tục biến động đang gây bất ổn cho đầu tư trong tương lai và an ninh nguồn cung. Ông không đề cập đến hiệp ước hạt nhân đa phương đã xóa bỏ các cấm vận lên Iran vào tháng 1/2016, nhưng cảnh báo đưa chính trị vào thị trường năng lượng sẽ gây tổn hại cho cả bên sản xuất lẫn tiêu dùng.

“Chúng tôi tin rằng thị trường dầu không nên mang tính chính trị,” ông Zanganeh nói. “Can thiệp chính trị sẽ làm gián đoạn quy trình phát triển và trao đổi trong thị trường.”

Các lệnh cấm vận mới của Mỹ lên Iran có thể làm gián đoạn không chỉ xuất khẩu dầu của quốc gia Vùng Vịnh này. Iran có những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất và các ngành công nghiệp khí đốt và hóa dầu của nước này đã tiếp tục phát triển từ khi các hạn chế cấm vận được dỡ bỏ hơn hai năm trước.

Trường Sơn lược dịch
Theo Bloomberg

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1